Giáo viên và học sinh giáo dục đặc biệt cũng cần được bảo vệ

Hà Anh
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, học sinh và giáo viên giáo dục đặc biệt cũng cần được bảo vệ.

Học sinh giáo dục đặc biệt trước tình hình dịch bệnh tại Mỹ

Hiện nay, Mỹ là một trong những quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới. Trong số tất cả các lớp học dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 9 trong hệ thống trường học của Quận Prince William (thuộc tiểu bang Virginia, Mỹ), chỉ những học sinh và giáo viên giáo dục đặc biệt được lên kế hoạch phải có mặt tại trường. Các giáo viên giáo dục đặc biệt không còn lựa chọn nào khác ngoài việc có mặt trực tiếp trong các lớp học để giảng dạy.

Có thể nói, Trường công Quận Prince William đã đưa ra yêu cầu có thể khiến cho một bộ phận học sinh dễ bị tổn thương nhất về cả thể chất lẫn tâm lý cùng giáo viên giáo dục đặc biệt phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus Corona trong khi đáng lẽ, các bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt cần phải được bảo vệ chặt chẽ hơn bao giờ hết.

(Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam

Những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc. Đây là nhóm trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ cáu giận. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ đặc biệt tại Việt Nam vẫn gia tăng đáng kể. Xã hội càng phát triển, trẻ đặc biệt càng cần được quan tâm để không bị bỏ lại phía sau.  

Giáo viên giáo dục đặc biệt là những người trực tiếp đảm nhận công việc truyền đạt kiến thức, dạy dỗ và đồng hành cùng nhóm trẻ dễ bị tổn thương – một công việc đầy khó khăn: hệ thống giáo dục công chỉ đảm bảo được số chỉ tiêu tuyển sinh nhất định, phải biên soạn chương trình riêng cho các lớp học hòa nhập… Các thầy cô thường phải tự mình soạn giáo án sao cho phù hợp với từng lớp, thậm chí là với từng học sinh. Họ phải chủ động tự mày mò, từng bước nghiên cứu thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm kết hợp với các tài liệu trong và ngoài nước để hoàn thành công việc của mình. Do đó, ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực này, họ cũng phải chịu nhiều vất vả và cả những áp lực công việc. Nếu không có những chính sách tốt để đảm bảo cuộc sống cho giáo viên giáo dục đặc biệt thì bản thân họ cũng dễ gặp phải những tổn thương về tâm lý, stress… 

Giáo viên giáo dục đặc biệt là những người phải chịu nhiều áp lực (Ảnh minh họa)

Ở nước ta, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật đang ngày càng được đẩy mạnh, để nhóm trẻ em đặc biệt có nhiều cơ hội được hòa nhập hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể, Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2018 - 2020: Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 50% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 70% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Phấn đấu 50% các tỉnh, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Đối với giai đoạn 2021 – 2025, ta phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 90% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Phấn đấu 90% các tỉnh, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Điều này chứng tỏ: Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm và có sự hỗ trợ tích cực dành cho các giáo viên và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Song, chúng ta vẫn cần cố gắng hơn trong tương lai, phối hợp giữa Nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội để bảo vệ và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em và giáo viên giáo dục đặc biệt.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giáo viên và học sinh giáo dục đặc biệt cũng cần được bảo vệ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.