Từ đầu năm học 2022-2023 tới nay, thành phố Hà Nội đã xây mới, thành lập mới 1 trường công lập là Trường THPT Minh Hà tại huyện Thạch Thất. Bên cạnh đó có 6 trường THPT công lập được xây dựng mới gồm: Yên Lãng, Thọ Xuân, Phúc Thọ, Thường Tín, Phùng Khắc Khoan.
Ngoài việc tăng cường đầu tư xây mới, thành lập mới các trường học công lập, để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, chất lượng, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trường THPT công lập, gồm 6 trường ở địa bàn huyện và 4 trường ở địa bàn quận.
Các trường này gồm: THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn), THPT Ba Vì, THPT Minh Quang (huyện Ba Vì), THPT Việt Hùng (huyện Đông Anh), THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), THPT Nhân Chính, THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) và một trường tại quận Cầu Giấy.
Ngoài ra, để phục vụ công tác dạy và học, thành phố đã bố trí ngân sách mua sắm bổ sung tài sản, thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc, ưu tiên các trường mới thành lập, xây mới, công nhận lại chuẩn quốc gia. Hết học kỳ 1, Hà Nội có thêm 4 trường THPT được công nhận chuẩn quốc gia.
Xác định việc tổ chức học theo chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện chương trình GDPT mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 1/2023, quy mô giáo dục cấp THPT của thành phố có 237 trường học, tăng 11 trường so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có 121 trường công lập, 6 trường công lập tự chủ, còn lại 110 trường tư thục. Tổng số học sinh cấp THPT của Hà Nội hiện có gần 276.000 học sinh. |
Các môn học mới trong điều kiện chưa có giáo viên đã được nhiều trường khắc phục bằng cách sử dụng giáo viên hợp đồng để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh như môn Âm nhạc có 16 trường, Mỹ thuật có 14 trường. Môn Tin học dù chưa có trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPT và xét vào các trường đại học nhưng tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Tin học cao thứ hai, sau môn Vật lý (chiếm 62,8%).
Để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đẩy mạnh sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề ở nhiều bộ môn khác nhau, linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để tạo hiệu ứng lan tỏa.
Một điểm nổi bật trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đó là việc tổ chức dạy học theo hướng trải nghiệm. Ngành đã triển khai kế hoạch “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025.
Đến 31/12/2022, có 25/96 đơn vị trong danh sách đăng ký đã kết nối cùng xây dựng kế hoạch giao lưu, hỗ trợ; thống nhất nội dung và dự kiến sẽ triển khai thực hiện kế hoạch trong thời gian tới.
(theo GD&TĐ)