Hai chủ đề lớn được thảo luận trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

TP
Chiều 29/8, tại trụ sở T.Ư Đoàn, Ban cố vấn Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II - năm 2024 đã họp buổi đầu tiên để cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị cho phiên họp. Ông Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban cố vấn chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự có chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư - Trưởng Ban Tổ chức phiên họp; ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; các thành viên Ban cố vấn phiên họp.

Chương trình họp của Ban cố vấn có sự tham gia đại diện nhiều bộ, ngành.
Chương trình họp của Ban cố vấn có sự tham gia đại diện nhiều bộ, ngành.

Phát biểu tại buổi họp, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, so với phiên họp giả định đầu tiên năm 2023, phiên họp năm nay có nhiều đổi mới. Nếu năm trước, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với các bộ, ngành và các chuyên gia xác định chủ đề, thì năm nay, chủ đề phiên họp được hình thành trên cơ sở lấy ý kiến của chính các bạn thiếu nhi. "Có nhiều chủ đề được đưa ra, 2 chủ đề được các em bình chọn nhiều nhất đã được lấy làm chủ đề của phiên họp năm nay. Đây là những vẫn đề có liên quan đến đời sống văn hóa, thể chất của các em", chị Nguyễn Phạm Duy Trang nói.

Trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", các đại biểu thiếu nhi sẽ thảo luận 2 vấn đề lớn, gồm: “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”. 

Quá trình lựa chọn đại biểu trẻ em năm nay cũng có sự điều chỉnh. Ngoài đại biểu do các tỉnh, thành đoàn giới thiệu thì có thêm đại biểu tự ứng cử. 

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang thông tin về những điểm mới của  Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang thông tin về những điểm mới của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024.

Bên cạnh đó, nội dung tổng thể phiên họp có nhiều thay đổi. Phiên khai mạc được mô phỏng như là phiên thẩm tra kết quả giám sát đối với 2 chủ đề của phiên họp. Phiên thảo luận tổ được tiến hành theo cách thức là chia theo đoàn đại biểu và mỗi tổ từ 25-30 đại biểu, thảo luận trực tiếp tại các phòng họp trong Tòa nhà Quốc hội. 

Phiên chính thức thay vì thảo luận tại hội trường và thông qua nghị quyết, thì năm nay sẽ mô phòng một phiên chất vấn về 2 chủ đề của phiên họp, trong đó các "Bộ trưởng trẻ em" sẽ trình bày báo cáo tình hình liên quan đến 2 chủ đề và sau đó các đại biểu lần lượt chất vấn, ngoài ra có thể chất vấn các Bộ, ngành có liên quan.

Năm nay, Hội đồng Đội T.Ư đã tổ chức 2 lần khảo sát, lấy ý kiến của trẻ em, trong đó lần thứ nhất là về chủ đề phiên họp và lần hai là lấy ý kiến các em, ý kiến cha mẹ và cán bộ phụ trách thiếu nhi đối với các vấn đề, nội dung liên quan đến 2 chủ đề.

Theo Bí thư T,Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang, trong phiên chính thức sẽ có 2 phóng sự được trình chiếu, trong đó 1 phóng sự báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức phiên họp và kết quả giải quyết kiến nghị của trẻ em tại phiên họp lần thứ nhất; 1 phóng sự báo cáo kết quả khảo sát, lấy ý kiến cử tri trẻ em đối với các nội dung phiên họp.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu trẻ em sẽ chất vấn chính 2 Bộ trưởng giả định của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế; ngoài ra có thể chất vấn thêm Bộ trưởng giả định của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công thương và mời các đồng chí Bộ trưởng phát biểu với các em.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang mong muốn, Ban cố vấn sẽ cùng tham gia tổ thảo luận với các bạn thiếu nhi; đồng hành với các đại biểu vai trò chủ chốt của Quốc hội để giúp các bạn thể hiện tốt vai trò của mình.

Góp ý tại cuộc họp, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ cho rằng, sau phiên họp giả định lần thứ nhất rất thành công, đây sẽ là hoạt động thường niên, là sân chơi giúp các bạn thiếu nhi gắn bó với quốc hội, với công tác quản lý nhà nước.

Ở phiên họp thứ hai, cách thức tổ chức và nội dung đổi mới rất nhiều so với lần thứ nhất lần I, kết hợp giữa thảo luận chủ đề, giám sát chuyên đề và chất vấn. Ông Trịnh Xuân An gợi ý, sau phiên họp cần đưa ra được thông điệp ý nghĩa với các đại biểu trẻ em và xã hội.

Đồng chí Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nêu ý kiến tại cuộc họp.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nêu ý kiến tại cuộc họp.

Ông Trịnh Xuân An đề nghị, điểm mới là có thảo luận tổ, vì thế việc lựa chọn tổ trưởng cần chú ý phải có sự dẫn dắt. Không khí thảo luận ở tổ nên tạo cho các đại biểu sự tự do, thoải mái trong phát biểu, chia sẻ và có thể mời thêm các ĐBQH tham dự để trao đổi, truyền lửa cho các bạn thiếu nhi.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" vừa để trẻ các đại biểu trẻ em làm quen với một phiên họp chính thức của Quốc hội, nhưng đây cũng diễn đàn để các bạn nói lên tâm tư, tiếng nói về các vấn đề để các bạn quan tâm.

Các em được trải nghiệm làm ĐBQH nhưng cũng phải đặt vấn đề các em thu nhận được gì sau khi tham gia Phiên họp này. Vì thế các câu hỏi của các em đòi hỏi vừa đảm bảo với vai trò ĐBQH nhưng phải phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu các em”, ông Nguyễn Nho Huy nói.

Thống nhất với quan điểm trên, các thành viên Ban cố vấn cũng đề xuất thiết kế chương trình sao cho việc tranh luận tại tổ thể hiện bản sắc các đại biểu trẻ em, phải có màu sắc tranh luận thực sự và đặc biệt chú ý đến vai trò đầu tàu là tổ trưởng. Kết quả tại tổ cần được báo cáo vào đầu phiên chính thức, thể hiện rõ góc nhìn của trẻ em đối với những vấn đề đặt ra.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hai chủ đề lớn được thảo luận trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác