Hình ảnh từ clip quảng cáo Dolce & Gabbana bị cho là xúc phạm văn hóa Trung Quốc
Trước đó, thương hiệu thời trang nổi tiếng nước Ý Dolce & Gabbana (D&G) bị cho là phân biệt chủng tộc và miệt thị người Trung Quốc khi phát hành một clip gồm 3 đoạn quảng cáo trên Weibo cho chương trình The Great Show dự kiến diễn ra ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc tối 21/11. Show này đã bị hủy diễn trước giờ biểu diễn chỉ khoảng một giờ đồng hồ.
Trong đoạn clip 3 phần có hình ảnh một cô gái Trung Quốc mặc đồ và trang sức D&G, sử dụng đũa để ăn các món truyền thống Ý gồm: pizza Margherita, cannoli Sicilia và mì spaghetti, chưa kể, giọng lồng tiếng Trung Quốc trong clip còn đọc không chuẩn thương hiệu D&G.
Clip gồm 3 đoạn với tựa đề “Ăn bằng đũa” ngay sau đó đã bị gỡ bỏ trên mạng xã hội Weibo, nhưng đã kịp tạo ra một làn sóng giận dữ của người Trung Quốc về văn hóa dùng đũa của họ. Ngay lập tức, một loạt ngôi sao đình đám C-biz như Chương Tử Di, Trần Khôn, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Băng Băng, Địch Lệ Nhiệt Ba…v.v đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của thương hiệu thời trang Ý D&G. Hầu hết các trang bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đã gỡ bỏ các quảng cáo và sản phẩm của D&G.
Sina thống kê được có tới 8 công ty thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc gồm Tmall, JD, Suning, NetEase, Koala, VipShop, YHD, Secoo đã xóa bỏ tất cả sản phẩm của Dolce & Gabbana.
Trên Wechat, People’s Daily cảnh báo: “Nếu ai đó không sẵn sàng để hiểu văn hóa Trung Quốc thì họ sẽ không thể hoạt động ở thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa mất đi lợi ích ở đất nước này”.
Một fan Trung Quốc của D&G thẳng tay hủy đôi giày đồ hiệu của mình sau scandal
Xiang Kai, một đạo diễn – nhà văn ở Thượng Hải đã công khai đốt các sản phẩm D&G trị giá tới 20.000 đô la Mỹ gồm áo khoác, vest và túi xách nhằm thể hiện sự tẩy chay của mình đối với thương hiệu thời trang Ý. Một người Trung Quốc khác thì ném giày và đồng hồ D&G vào thùng rác cũng với mục đích trên.
Làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang nổi tiếng đẩy D&G vào nguy cơ suy giảm mạnh doanh số bán hàng và cổ phiếu sụt giảm tại thị trường lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy, năm 2017, người tiêu dùng Trung Quốc chi hơn 100 tỷ đô la Mỹ cho đồ hiệu và đồ xa xỉ, chiếm 1/3 toàn cầu.