Nhắc đến sinh nhật, những hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tâm thức chúng ta sẽ là chiếc bánh kem đẹp đẽ, bài hát quen thuộc, những món quà. Bên cạnh đó, một hoạt động không thể thiếu đó là thổi nến ngày sinh nhật. Thân thuộc và dường như vô nghĩa là thế nhưng việc làm này lại gắn liền với một truyền thuyết từ xa xưa.
Quay ngược dòng lịch sử, từ cái thời khái niệm sinh nhật còn chưa có thì con người coi ngày họ sinh ra cũng bình thường như bao ngày khác. Tuy nhiên, ngày sinh nhật đã trở nên có ý nghĩa hơn vào thời kỳ cổ đại. Thời kỳ này, tầng lớp quý tộc bắt đầu có thói quen quan tâm tới ngày sinh của họ. Còn với những người dân thường, ngày sinh chỉ để phục vụ cho mục đích chiêm tinh.
Nhiều tài liệu đã chỉ ra, tục thổi nến trong ngày sinh nhật được xuất phát từ Hy Lạp cổ đại. Thời đó, người ta rất sùng bái nữ thần Mặt trăng Artemis và mỗi năm đến ngày sinh của bà đều sẽ tổ chức lễ kỷ niệm. Đến những ngày đó, mọi người sẽ đặt trên bàn một chiếc bánh được làm từ trứng, bột mì và mật ong. Bên trên mặt bánh có cắm rất nhiều nến đốt sáng.

Người ta cho rằng ánh sáng của các ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng của thần Mặt trăng. Họ làm như vậy để tỏ lòng thành kính của mình đối với vị thần này. Và rồi họ cũng tin rằng, tiềm ẩn trong các ngọn nến thắp sáng đó là một sức mạnh thần bí nên khi thổi tắt chúng, mọi ước nguyện sẽ trở thành hiện thực.
Chính vì thế, phong tục này vẫn được người Hy Lạp duy trì mỗi khi tổ chức sinh nhật. Đặc biệt là khi tổ chức sinh nhật cho trẻ em với hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng. Cứ như vậy, tập tục thổi nến ngày sinh nhật được lưu truyền cho tới ngày nay và được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở một số tài liệu khác lại chỉ ra rằng, tục thổi nến trong ngày sinh nhật được bắt nguồn từ nước Đức vào thế kỷ 18. Họ thổi nến có ý nghĩa như một cách để bảo vệ trẻ em. Theo nhiều học giả, tục lệ này gắn liền với các nghi thức cổ xưa, bởi họ tin rằng lửa sẽ giúp xua đuổi tà ma. Người xưa lo lắng các linh hồn sẽ ghé thăm vào ngày sinh nhật nên sẽ chào đón nó một cách thật vui vẻ, đồng thời tạo ra các tiếng ồn để bảo vệ người đang đón tuổi mới.

Từ thời La Mã cổ đại, bánh sinh nhật đã rất được ưa chuộng và chủ yếu dành cho giới quý tộc, người giàu có. Đó là một chiếc bánh bông lan phẳng có hình tròn. Và đến thế kỷ 15, các hiệu bánh ở Đức bắt đầu làm những chiếc bánh sinh nhật một lớp. Sau đó, bánh nhiều lớp được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt bằng kem tươi mới xuất hiện. Tuy nhiên, bánh cũng chủ yếu dành cho tầng lớp thượng lưu. Sau cách mạng công nghiệp, bánh sinh nhật được sản xuất đại trà hơn và trở thành một phần không thể thiếu của các bữa tiệc sinh nhật.