Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp, cùng sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ quản lý và đại diện các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Ban Soạn thảo, việc xây dựng chương trình mới được đặt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm quyền phát triển toàn diện cho trẻ em. Các nghị quyết, văn kiện, văn bản pháp luật và cam kết quốc tế đều khẳng định mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ mầm non.
Chương trình GDMN hiện hành được ban hành từ năm 2009, sau 15 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là sự thay đổi về khoa học – công nghệ, nhu cầu hội nhập và yêu cầu liên thông với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế. Nội dung chưa theo kịp xu thế phát triển kỹ năng sống trong xã hội hiện đại, chưa đồng bộ với các điều kiện tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Việc đổi mới Chương trình GDMN được xác định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Dự thảo chương trình mới được xây dựng từ năm 2022 theo đúng quy định của Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT và trải qua nhiều vòng lấy ý kiến chuyên gia, địa phương, hội đồng thẩm định.
Tại phiên họp, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho biết, Dự thảo Chương trình GDMN mới hiện cơ bản đã hoàn thiện, với 7 điểm đổi mới nổi bật:
- Tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm – xã hội, chú trọng hình thành và phát triển giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
- Tiếp cận dựa trên quyền, bảo đảm giáo dục công bằng, hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt, hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt, phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Trao quyền cho giáo viên và cơ sở giáo dục, linh hoạt tổ chức chương trình phù hợp với điều kiện, văn hóa địa phương và đặc điểm phát triển của trẻ.
- Tổ chức chế độ sinh hoạt khoa học, phù hợp với trẻ mầm non và điều kiện làm việc của giáo viên theo Bộ luật Lao động; bổ sung điều kiện thực hiện chương trình.
- Lấy trẻ làm trung tâm, khuyến khích học qua chơi và trải nghiệm trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc.
- Liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cá nhân hóa quá trình giáo dục, tăng cường phát triển thể chất, cảm xúc – xã hội, sống hòa hợp với tự nhiên.
- Mở rộng sự tham gia của gia đình và cộng đồng, tạo liên kết chặt chẽ trong thực hiện chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị chương trình cần cụ thể, rõ ràng, đơn giản nhưng đảm bảo khoa học và có tính mở để phát huy tối đa năng lực của giáo viên, trẻ em cũng như điều kiện tại các địa phương.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc xây dựng chương trình phải bám sát Luật Giáo dục, thực hiện đúng quy trình và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong bối cảnh Luật Giáo dục đang được sửa đổi, việc điều chỉnh các quy định liên quan cần được cân nhắc kỹ, không thay đổi một cách vội vàng, mà phải hợp lý, phù hợp.
Về nội dung chương trình, Bộ trưởng yêu cầu sử dụng các thuật ngữ khoa học phải mạch lạc, rõ ràng, có căn cứ quốc tế, đồng thời diễn đạt phù hợp với đặc thù bậc học mầm non. Việc xây dựng chương trình cần đảm bảo sự hài hòa giữa khung chương trình và các tài liệu hướng dẫn, giúp địa phương dễ dàng triển khai, phù hợp với điều kiện vùng miền.
“Những địa phương có điều kiện có thể triển khai đầy đủ, chất lượng cao. Những nơi khó khăn phải đảm bảo tối thiểu, nhưng vẫn giữ đúng mục tiêu và giá trị của chương trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu hồ sơ hoàn chỉnh cần đi kèm các điều kiện tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi và chất lượng cao hơn trong thực tế.