Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những điểm nhấn lớn là chủ trương tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong hệ thống trường công lập mà không thu thêm phí. Đây là chính sách nhất quán, thể hiện định hướng phát triển giáo dục công lập miễn học phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng làm rõ các nội dung của hai dự thảo Nghị quyết đang được Quốc hội xem xét: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Phổ cập giáo dục mầm non – mục tiêu dài hạn nhưng cần thiết
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về tính khả thi và nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chính phủ sẽ xây dựng một đề án cụ thể với lộ trình 5 năm, từ 2026 đến 2030, kinh phí dự kiến hơn 116.000 tỷ đồng. Đề án sẽ được thẩm định nghiêm túc, kinh phí bố trí trong tổng ngân sách nhà nước và trình Quốc hội phê duyệt.
“Đây là con số lớn, thể hiện rõ quyết tâm mở rộng cơ hội học tập cho trẻ nhỏ và nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ những năm đầu đời”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đồng thời cũng khẳng định tinh thần phân cấp rõ ràng: Chính phủ lập đề án, Quốc hội giám sát và quyết định.

Miễn học phí, hỗ trợ cả trường công và ngoài công lập
Theo dự thảo Nghị quyết, học sinh các trường công lập sẽ được miễn học phí hoàn toàn, đồng thời học sinh tại các cơ sở dân lập, tư thục cũng được hỗ trợ tương đương với mức học phí tại trường công lập. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào mức học phí tại địa phương để xác định mức hỗ trợ.
Trước lo ngại về khả năng học sinh chuyển ồ ạt từ trường tư sang trường công, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng sự dịch chuyển này nếu xảy ra cũng không đột biến, bởi hệ thống trường công vẫn đang chiếm ưu thế, trong khi trường tư ở đô thị lớn như Hà Nội vẫn duy trì được uy tín và sức hút riêng.

Kiểm soát thu chi, dạy thêm học thêm
Liên quan đến vấn đề dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: chỉ cho phép tổ chức dạy thêm không thu phí với ba nhóm học sinh: yếu kém, học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp. Việc tổ chức sẽ do nhà trường đảm nhiệm, tùy điều kiện địa phương sẽ có cơ chế hỗ trợ giáo viên phù hợp.
Trong tháng 6 tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 81, tạo hành lang pháp lý để việc miễn, hỗ trợ học phí được triển khai đồng bộ từ đầu năm học 2025–2026.