Theo Tri thức trực tuyến, theo một số chuyên gia, khuynh hướng mở trong giáo dục của TP.HCM, việc dạy và học theo tín chỉ là để phát huy hết tiềm năng của học sinh.
Theo đó, trong tương lai, nếu đề xuất cơ chế mở cho giáo dục của TP.HCM được thông qua, học sinh có thể chủ động về thời gian, chủ động về môn học mình yêu thích, qua đó có thêm thời gian, điều kiện tham gia những hoạt động ngoại khóa.
Thay vì đến lớp 5 buổi/tuần, đủ 9 tháng trong một năm học, học sinh sẽ có thể lựa chọn học một buổi hoặc học cả ngày, học tại trường hay học trực tuyến. Nếu học sinh có năng lực, thời gian học phổ thông có thể rút ngắn lại. Thời lượng giảng dạy cũng có thể được thay đổi tùy trường học và môn học.
Nếu đề xuất được thông qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ triển khai thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện trên nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh và học sinh.
Trao đổi với báo Công lý thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường, Đồng Nai cho hay, hiện tôi được biết, một số nền giáo dục ở các nước Châu Âu cụ thể là ở Úc đang áp dụng hình thức học tín chỉ và họ áp dụng đại trà. Nhưng họ đề ra theo nhiều mức dựa trên năng lực của học sinh.
Ví dụ có mức dành cho học sinh trung bình; mức dành cho học sinh khá và mức dành cho học sinh có năng lực giỏi.
Một em học sinh bình thường có thể chọn mức thấp nhất, những em học tốt có thể chọn mức cao nhất. Nếu mà làm được như vậy, tôi nghĩ nên chọn có các mức để các bạn học sinh có quyền chọn môn và mức học phù hợp với các bạn học sinh.
Và để thành công thì các nước đó đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó có ba vấn đề gồm:
Thứ nhất là đội ngũ thầy cô giáo được đào tạo chuẩn từ các trường sư phạm.
Thứ hai là điều kiện học tập của họ rất là tốt về lớp học, phương tiện học tập.
Thứ ba là văn hóa học của các học sinh ở các nước đó là các bạn quen với học văn hóa là tranh luận, thảo luận để tìm ra cái mới.
Vietnamnet cho hay, theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì hiện nay, hầu hết các quốc gia đều áp dụng phương thức bằng tự chọn. Hình thức phân ban chỉ được sử dụng ở một số ít quốc gia.
Việc dạy học tự chọn cũng có nhiều hình thức khác nhau. Báo cáo cho biết, tại nhiều nước, học sinh sẽ học một số môn học bắt buộc và chọn học một số môn học theo năng lực nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cá nhân.
Số môn học bắt buộc có thể khác nhau trong chương trình các nước, song 3 môn Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ, Toán học được hầu hết các nước lựa chọn bắt buộc. Một số nước có thêm môn Lịch sử (Lịch sử quốc gia) là môn học bắt buộc.
Trong các môn bắt buộc và tự chọn ở nhiều nước chia theo các mức độ/trình độ cơ bản và nâng cao, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp.
Chẳng hạn như ở Australia, mỗi học sinh THPT phải chọn 5-6 môn học, trong đó phải có môn tiếng Anh.
Duy Minh (tổng hợp)