Họp Ban Tổ chức Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

TP
Sáng 29/8, tại trụ sở T.Ư Đoàn, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì họp Ban Tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 để trao đổi các nội dung liên quan tới công tác chuẩn bị phiên họp.

Cùng dự có các đại biểu: ông Nguyễn Danh Tú - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; anh Lê Hải Long - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư; nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Khuê - Ủy viên Hội đồng Đội T.Ư - Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng; anh Cù Đức Quân, - Ủy viên BCH, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn; anh Vũ Gia Dân - Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì buổi làm việc
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì buổi làm việc.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 do T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức dự kiến diễn ra từ ngày 27-29/9 tại Hà Nội.

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024, anh Lê Hải Long cho biết, năm nay, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em được tổ chức nhiều điểm mới. 

Anh Lê Hải Long báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức phiên họp
Anh Lê Hải Long báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức phiên họp

Trong đó, công tác tuyển chọn đại biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, sàng lọc từ cơ sở đến T.Ư nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều. T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai công tác lựa chọn đại biểu theo 3 bước. 

Bước 1: Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị trực thuộc giới thiệu đại biểu trẻ em đề xuất ứng cử làm đại biểu tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II; tổ chức cho đại biểu trẻ em được giới thiệu trình bày chương trình hành động nếu được trở thành đại biểu của phiên họp trước sự chứng kiến của các “cử tri trẻ em”. Từ đó, các “cử tri trẻ em” bình chọn đại biểu trẻ em tiêu biểu, xuất sắc tham dự phiên họp. Đồng thời, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tiến hành trao đổi, phỏng vấn để đại biểu trẻ em làm rõ thêm các vấn đề có liên quan.

Bước 2: Căn cứ kết quả phỏng vấn của Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố và kết quả bình chọn của “cử tri trẻ em”, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố lập danh sách đại biểu của địa phương tham dự phiên họp gửi về Hội đồng Đội T.Ư và giới thiệu 1-2 đại biểu trẻ em tiêu biểu để Ban tổ chức phiên họp xem xét, lựa chọn đóng vai vị trí chủ chốt.

Bước 3: Ban Tổ chức phiên họp tiến hành phỏng vấn đại biểu trẻ em để lựa chọn những đại biểu tiêu biểu nhất tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho đông đảo trẻ em có cơ hội làm đại biểu chính thức tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã triển khai cho trẻ em cả nước tự ứng cử thông qua xây dựng Video clip trình bày chương trình hành động nếu được tuyển chọn làm đại biểu phiên họp.

Kết quả từ 462 hồ sơ đại biểu, trong đó 358 hồ sơ đại biểu do Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đề xuất và 104 hồ sơ trẻ em tự ứng cử, đến thời điểm này, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã lựa chọn được 297 đại biểu chính thức đại diện cho gần 25 triệu trẻ em trên toàn quốc tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.

Từ 297 đại biểu được tuyển chọn, Ban tổ chức tiến hành 3 bước tuyển chọn, phỏng vấn để lựa chọn đại biểu đóng vai chủ chốt của phiên họp.

Tổng Biên tập báo TNTP&NĐ Nguyễn Phan Khuê phát biểu góp ý tại hội nghị.
Tổng Biên tập báo TNTP&NĐ Nguyễn Phan Khuê phát biểu góp ý tại cuộc họp.

Trong 2 ngày 17 và 18/8, các đại biểu tham gia phiên họp đã được tập huấn về 06 nội dung với sự trình bày của các chuyên gia từ các cơ quan của Quốc hội, T.Ư Đoàn và các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em. Riêng các đại biểu chủ chốt sẽ được tập huấn chuyên sâu để đóng vai lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ và đại biểu phát biểu, chất vấn.

Để chuẩn bị các nội dung của phiên họp, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức kỳ họp Hội đồng trẻ em, tổ chức lấy ý kiến trẻ em về 2 chủ đề phiên họp. Hội đồng Đội T.Ư đã triển khai bộ câu hỏi khảo sát, lấy ý kiến về 2 chủ đề của phiên họp đối với trẻ em và cha mẹ, cán bộ phụ trách thiếu nhi trên phạm vi toàn quốc. Kết quả, có 251.606 trẻ em, 51.781 cha mẹ và 3.718 cán bộ phụ trách thiếu nhi tham gia khảo sát. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về chương trình, nội dung phiên họp và đề xuất để đại biểu trẻ em chất vấn về việc phòng chống thuốc lá điện tử đối với trẻ em và bạo lực học đường. Các em sẽ đóng vai bộ trưởng và lãnh đạo chính phủ để trả lời chất vấn. Dự kiến các "bộ trưởng trẻ em" sẽ đăng đàn trong phiên họp giả định là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang cảm ơn các thành viên ban tổ chức đã tâm huyết, trách nhiệm nghiên cứu và góp ý kiến phù hợp với thực tiễn giúp bộ phận thường trực tiếp thu, chỉnh sửa để tổ chức tốt phiên họp.

Với thời gian tổ chức Phiên họp dự kiến từ ngày 27 - 29/9 tại Hà Nội và phiên chính thức sẽ diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang mong muốn các thành viên Ban tổ chức tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt tới các em và phát huy tinh thần trách nhiệm trong các nội dung được phân công như: công tác tập huấn cho các đại biểu chủ chốt; hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phản ánh được giá trị của phiên họp; gặp gỡ, chia sẻ truyền động lực cho đại biểu trẻ em...

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em đối với các hoạt động chính trị, xã hội liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em. Tạo điều kiện để trẻ em được trau dồi tri thức, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình theo quy định của Luật Trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các bạn thiếu nhi phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức các vấn đề về trẻ em; được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội; định hướng cho trẻ em nuôi dưỡng những ước mơ, rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội.

Dự kiến, trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", các đại biểu thiếu nhi sẽ thảo luận 2 vấn đề lớn, gồm: “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”. Trước đó, trong 2 ngày 26 và 28/8, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã Phỏng vấn lựa chọn đại biểu nòng cốt đóng vai chủ chốt trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần II năm 2024.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Họp Ban Tổ chức Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương: Cần phân bổ đều nguồn lực hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của bão số 3

Chiều 12/9, anh Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc nhằm nắm bắt thông tin nguồn lực, và định hướng, triển khai phương án hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.