Như đã hẹn, hôm nay chúng ta cùng làm quen với môn Khoa học Tự nhiên. Đây là môn học mới, hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội khám phá điều kì diệu của thế giới tự nhiên.
Em chào thầy ạ! Thầy cho em hỏi cách nào để phòng tránh bệnh do virus gây ra? Em rất sợ uống thuốc, nên thầy có thể chỉ cho em cách ăn uống để khỏe mạnh được không ạ?
(Nguyễn Hà Dương, lớp 5, tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông, Hà Nội)
Virus là dạng sống hết sức nhỏ bé. Chúng nhỏ đến mức hàng triệu virus gộp lại mới bằng đầu của một chiếc ghim giấy. Tuy nhỏ bé nhưng virus sinh sản rất nhanh và gây nhiều bệnh cho sinh vật và con người. Hơn 70% các loại bệnh ở động vật và con người là do virus gây nên như cúm, đậu mùa, quai bị, viêm gan B, sởi,...và nhiều bệnh nguy hiểm như viêm não Nhật bản, bệnh dại, bệnh bại liệt, hội chứng HIV/AIDS…
Tuỳ thuộc vào loại virus và phương pháp lây truyền mà chúng ta sẽ có cách phòng chống phù hợp. Có nhiều cách đơn giản để phòng tránh bệnh do virus gây nên. Đầu tiên là luôn giữ gìn, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Tiếp đến là giữ gìn môi trường sống trong lành, tránh bị ô nhiễm. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng giúp nâng cao sức đề kháng. Đối với bệnh lây lan qua đường hô hấp cần có biện pháp cách ly và hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Một vài mẹo ăn uống để luôn khỏe mạnh:
- Ăn tỏi: những củ tỏi bé tẹo nhưng lại tốt cho sức khỏe và được mệnh danh là “kháng sinh tự nhiên”. Ăn tỏi tươi sẽ cay và hăng. Nhưng nếu mẹ làm món sườn chua ngọt hoặc xào rau với tỏi, các em đừng bỏ phí mà hãy tận dụng ăn chúng.
- Bổ sung vitamin C: bằng cách ăn những loại trái cây và rau như: ổi, bưởi, cam, chanh, bông súp lơ xanh, rau chân vịt (cải bina, bó xôi)…
- “Ăn vặt”: Sữa chua và hạt hạnh nhân kết hợp với nhau tạo thành một món tráng miệng ngon tuyệt. Các em có thể ăn cùng với những loại hạt khác, hoặc kèm cả hoa quả để có thêm nhiều dưỡng chất…
Trong gian thời gian phòng chống dịch Covid – 19 hiện nay, các em cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhé!
Thưa thầy, tại sao lại nói nước quan trọng với cơ thể? Và cơ thể chúng ta mất nước như thế nào ạ?
(Hoàng Thu Hà, lớp 6, THCS Đông La, Hà Nội)
Nước là thành phần cơ bản và cần thiết cho nhu cầu của con người. Khoảng 70% khối lượng cơ thể chúng ta là nước. Nước là thành phần chính tạo nên môi trường trong của cơ thể. Nước cần cho não để sản xuất nội tiết tố, chuyển hoá thức ăn thành các chất cần thiết cho quá trình hấp thu, điều hoà thân nhiệt, giúp vận chuyển khí oxy đi khắp cơ thể...
Trung bình mỗi ngày một người nặng 50 kg cần khoảng 2 lít nước. Trẻ em nặng 11-20 kg cần uống ít nhất 1 lít nước mỗi ngày. Cơ thể chúng ta được cung cấp nước qua thức ăn và đồ uống. Nước rất quan trọng với sức khoẻ của con người, vì vậy các em cần uống đủ nước mỗi ngày.
Hàng ngày, ta bị mất nước khi đi vệ sinh, đổ mồ hôi và ngay cả khi hít thở. Quá trình mất nước diễn ra nhanh hơn khi thời tiết nóng bức, khi tập thể dục hay khi bị sốt. Nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể dẫn đến mất nước nhanh. Biểu hiện thường thấy khi mất nước là tiểu ít, nước tiểu sậm hơn bình thường, khô miệng, khô họng, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt…
Thầy ơi, Mặt Trăng phát sáng như thế nào ạ? Vì sao nó lại phát ra ánh sáng yếu ớt như thế?
(Trương Bá Tấn, trường THCS Nha Trang, Thái Nguyên)
Bất cứ khi nào, chỉ có phần Trái Đất hướng về phía Mặt Trời là ban ngày, phần còn lại là ban đêm. Khi Trái Đất quay, phần ban ngày chuyển dần thành ban đêm, đồng thời phần ban đêm lại chuyển dần thành ban ngày.
Chúng ta nhìn thấy Mặt Trăng sáng. Nhưng thực tế thì giống như Trái Đất, Mặt Trăng không hề phát sáng. Chúng ta có thể nhìn thấy Mặt Trăng là do nó phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời. Ánh sáng phản chiếu từ Mặt Trăng đến Trái Đất yếu hơn rất nhiều so với ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời. Do đó, ban đêm ta thấy Mặt Trăng rõ hơn khi nhìn nó vào ban ngày.
KHTN là môn học mới và hấp dẫn ở trường phổ thông, mang lại cho các em cơ hội khám phá những điều kì diệu của thế giới tự nhiên. Các bài học sẽ giúp các em tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh và quan trọng hơn là biết cách vận dụng các kiến thức và kĩ năng học được để trở thành con người có tri thức, giải quyết những vấn đề của cuộc sống hằng ngày.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS), Nhà giáo Ưu tú Mai Sỹ Tuấn nguyên là Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Thầy là tác giả SGK lớp 9 và 12 (2006); là Chủ biên và tác giả của hơn 20 đầu sách về KHTN và khoa học giáo dục; Chủ biên của Chương trình môn KHTN (2018) và Sinh học (2018); Trưởng nhóm xây dựng chương trình THPT Chuyên môn Sinh học (2019). PGS.TS Mai Sỹ Tuấn từng nhiều năm giữ cương vị Trưởng đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Sinh học quốc tế (tư năm 2005-2018) và là Trưởng ban chuyên môn của Olympic Sinh học Quốc tế năm 2016 tổ chức tại Việt Nam. Thầy đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015. |