Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc tạo ra những không gian đọc mở là làn gió mới trong giáo dục. Không còn bó hẹp trong những căn phòng kín, thư viện giờ đây được mở rộng ra sân trường, hành lang, gốc cây… tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách báo một cách tự nhiên, thoải mái và giàu cảm hứng.

Phong trào đọc sách báo hằng ngày tại nhiều trường học được khởi động từ những hành động giản dị. Mỗi sáng, sau tiếng trống trường, thay vì trò chuyện ồn ào, học sinh dành 15 phút đọc sách báo. Từ thói quen nhỏ ấy, ngọn lửa đam mê tri thức đang âm thầm được nhóm lên, góp phần hình thành thói quen học tập suốt đời ngay từ những năm tháng đầu đời.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Tình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Lạc (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi thấy học sinh tự mang sách ra sân trường đọc vào giờ ra chơi, tôi biết các em đã thực sự xem việc đọc sách như một phần cuộc sống. Sự tự nhiên, không gò bó giúp các em thêm yêu việc đọc, từ đó nhiều em còn tự ghi chép, viết cảm nhận, chia sẻ sách hay cùng bạn bè”.

Không chỉ đơn thuần là hoạt động đọc, mô hình thư viện mở còn mang lại những giá trị thiết thực: giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tập trung, nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, phát triển tư duy phản biện và khả năng giao tiếp thông qua việc thảo luận, trao đổi về nội dung sách báo.
Đối với học sinh, được đọc sách trong không gian mở dưới ánh nắng nhẹ nhàng cũng là cách giúp giải tỏa áp lực học tập, tăng cường sức khỏe tinh thần. Mỗi trang sách được lật mở nơi sân trường như tiếp thêm năng lượng tích cực, thôi thúc các em nỗ lực học tập và mơ ước nhiều hơn.
Khi sân trường trở thành thư viện mở, sách báo không chỉ đơn thuần là hoạt động giáo dục, mà đã hòa quyện vào nhịp sống học đường, trở thành nhịp đập của mỗi ngày đến trường. Đó chính là cách để tri thức đến gần hơn, để mỗi sân trường trở thành nơi chắp cánh cho những ước mơ bay xa.

Cô giáo Nguyễn Thị Mừng
(trường Tiểu học Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)