Những lo ngại về biến đổi khí hậu đang khiến các nhóm, tổ chức toàn cầu gửi hạt giống các loài cây vào “kho sưu tập” tại một ngọn núi ở đảo Spitsbergen của quần đảo Svalbard, Na Uy, cách Bắc Cực khoảng 1.300 km.
“Với tốc độ biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái ngày càng tăng, có thêm sự cấp bách đối với các nỗ lực cứu các loài cây lương thực có nguy cơ tuyệt chủng”, Stefan Schmitz, người quản lý kho chứa, nói với AFP.
Người quản lý kho di truyền của các nước vùng Scandinavia, Lisa Lykke Steffensen, nói mỗi hạt giống trong kho “sẽ là giải pháp tiềm năng cho nông nghiệp bền vững”.
“Kho sưu tập” tại một ngọn núi ở đảo Spitsbergen của quần đảo Svalbard, Na Uy. Ảnh: AFP
Tổng cộng 36 tổ chức quốc tế đóng góp vào đợt “nhập kho” 60.000 hạt giống ngày 25/2 vừa qua, bao gồm các giống lúa mì, lúa gạo, và các giống cây hoang dã như táo châu Âu. Ngoài ra, các giống đậu, bí ngô và ngô đặc biệt cũng được “Cherokee Nation” - bộ lạc bản địa ở Mỹ - gửi vào kho để cất giữ.
Hoàng tử Charles của Anh, được biết đến với các nỗ lực vận động vì môi trường của ông, gửi 27 giống thực vật hoang dã.
“Thuyết phục mọi người về vai trò quan trọng của đa dạng sinh học là một việc rất mệt mỏi và gây nản chí”, vị hoàng tử xứ Wales nói trong một thông cáo.
“Chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ sự đa dạng hiện nay trước khi quá muộn”, ông nói.
Các quan chức cao cấp Na Uy tới thăm kho chứa. Ảnh: AFP.
Đợt “nhập kho” mới nhất nâng tổng số hạt giống lên 1,05 triệu, được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C. Kho chứa có thể giữ 4,5 triệu mẫu giống cây. Ông Schmitz nói cần 2-3 triệu mẫu để “bảo đảm hơn về lương thực của con người trong tương lai”.
Sự hữu ích của kho chứa này được thể hiện ở cuộc nội chiến Syria, khi giới nghiên cứu vào năm 2015 có thể tìm lại một loài ngũ cốc đã mất vì Aleppo bị phá hủy.
Kho chứa có mục đích bảo vệ sự đa dạng các loài thực vật trên Trái Đất. Ảnh: AFP.
Các nước và tổ chức cất giữ hạt giống trong kho vẫn giữ quyền sở hữu, và có thể lấy lại khi cần.
Bản thân kho chứa cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Năm 2016, nước chảy vào đường hầm đi vào kho, khi lớp băng phía trên bị chảy, do nhiệt độ Bắc Cực tăng cao bất thường.
Na Uy kể từ đó đã chi tiền để bảo vệ kho chứa khỏi tác động bởi sự nóng lên toàn cầu.
(theo zing.vn)