Khó miễn học phí trường ngoài công lập

Thúy Quỳnh
Dự thảo Luật Giáo dục đang lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Trong đó, đối với vấn đề miễn học phí cho học sinh THCS đã có nhiều ý kiến đề xuất nên miễn học phí cho học sinh ở các trường trong và ngoài công lập.

Thầy Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phân tích, từ thời bao cấp tới nay, học sinh bậc tiểu học được miễn học phí. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với học sinh trường công lập, còn học sinh tiểu học ở trường ngoài công lập thì vẫn phải đóng học phí bình thường.

Đứng ở góc độ học sinh, điều này bất hợp lý, không công bằng giữa các học sinh trong lứa tuổi tiểu học. Trong khi, nhiều học sinh phải học trường ngoài công lập do địa bàn cư trú không có trường công lập, hoặc cần “chia tải” do dân số tăng nhanh, trường công lập không thể gánh hết trách nhiệm.

Hiện nay ngành GD&ĐT thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập. Do đó, ông Đại đề nghị học sinh trường công hay trường tư đều nên được áp dụng quy định miễn học phí như nhau.

Riêng trường chất lượng cao có thể thu thêm tiền. Liên hệ từ thực tế giáo dục tại Thủ đô, theo ông Đại, nếu không điều chỉnh quy định thì sẽ khó giảm áp lực về sĩ số đối với các trường công lập ở các đô thị lớn.

Thầy Nguyễn Quang Long - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam kiến nghị mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non. Nếu không thể được, có thể nghiên cứu để miễn học phí đến đối tượng phổ cập (hiện đã phổ cập đến trẻ mầm non dưới 5 tuổi).

Theo thầy Ngô Văn Thịnh- Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cũng phân tích: Hiện Nhà nước đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại chỉ miễn học phí cho cấp tiểu học.

Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng khó khăn.

Tại Hội nghị góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi giữa Bộ GD&ĐT cùng Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ rất cảm ơn với các ý kiến đóng góp, đặc biệt có một số đề xuất mới như mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non.

Tuy nhiên  về việc miễn học phí cho đối tượng học sinh tư thục, theo ông Độ, nguyên tắc trường công lập đáp ứng phổ cập 100% cho học sinh THCS, tuyệt đối không để học sinh vì khó khăn mà không được đi học.

Lên bậc THPT, học sinh được phân luồng nên chỉ có 60% được vào trường công lập. Còn các em học tư thục là hoàn toàn tự nguyện, đáp ứng nhu cầu của người học nên không miễn học phí.

Tất nhiên, cho đến thời điểm này đề xuất miễn học phí cho học sinh trường dân lập các cấp học mầm non, tiểu học và THCS mới chỉ là những ý kiến được nêu ra trong quá trình góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi, từ phía nhà quản lý, hoặc mong muốn nguyện vọng từ phía phụ huynh học sinh. Từ phía các nhà trường vẫn chưa có ý kiến gì.

Theo phân tích từ giới chuyên môn: Các quy định của pháp luật về chính sách miễn giảm học phí được áp dụng đối với trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo quy định này thì không có sự phân biệt giữa trường công lập hay dân lập. Do đó nếu học sinh xét đủ điều kiện tương ứng với quy định,  sẽ vẫn được miễn/giảm học phí.    

Trước đó, theo báo Tiền Phong về đề xuất miễn giảm học phí, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, từ thời bao cấp, học sinh tiểu học đã được miễn học phí. Cái khó hiện nay là học sinh ở trường ngoài công lập chưa được hưởng chính sách miễn học phí. Tuy có giải thích, do nguyện vọng phụ huynh lựa chọn trường ngoài công lập nên không được thụ hưởng. Tuy nhiên, khi học sinh trường ngoài công lập không được hưởng chính sách miễn học phí, các trường đó sẽ thu ở mức cao, tạo sức ép lớn cho các trường công về sĩ số. Trong khi hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập.

Thầy Đại kiến nghị: “Bộ cần xem xét để kiến nghị cho học sinh học ở trường công lập hay ngoài công lập cũng được hưởng một mức miễn học phí đồng đều. Những trường chất lượng cao sẽ được phép thu thêm tiền”.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khó miễn học phí trường ngoài công lập tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.