Không cần Google Map mà chim vẫn bay đúng đường bởi chúng sở hữu "vũ khí bí mật" này

Huệ Anh
Các loài chim di trú có một khả năng kỳ diệu: Dù bay hàng ngàn kilomet vẫn nhớ đường trở về nhà mà không cần... Google Map. Bí mật chính là ở chỗ, chim có thể nhìn thấy từ trường.

Thiên nhiên vô cùng rộng lớn và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Có những điều chúng ta nhìn thấy mỗi ngày nhưng không thể nào lý giải được nguyên nhân. Chẳng hạn như cách mà các loài chim di trú có thể nhớ đường về tổ sau hàng ngàn kilomet di chuyển mỗi năm.

Từ bé chúng ta vẫn được nghe mẹ kể chuyện, cứ vào mùa đông, họ hàng nhà chim lại bay về phương Nam tránh rét rồi lại ngược về phương Bắc khi mùa đông qua đi. Chúng chẳng cần ai dẫn đường, cũng chẳng cần tới Google Map, ấy vậy mà vẫn đi đúng đường. Bí mật đằng sau chính là khả năng nhìn thấy đường đi qua từ trường của Trái đất.

Trước kia, các nhà khoa học tin rằng trong mỏ chim có chứa sắt. Vì thế, chúng có thể cảm nhận được từ trường. Nhưng theo các nghiên cứu mới nhất từ chuyên gia của Đại học Lund (Thụy Điển) và Đại học Carl von Ossietzky Oldenburg (Đức), chúng có thể bay đúng đường là nhờ một loại protein mang tên Cry4 trong mắt của chim.

Cry4 là một phân lớp protein mang tên Cryptochromes - một dạng thụ thể cảm nhận ánh sáng rất nhạy, có ở trong thực vật và động vật. Cry4 có thể nhận ra được cả từ trường của trái đất nên có thể “chỉ đường dẫn lối” cho đàn chim.

Trên thực tế, khả năng cảm nhận từ trường của chim chỉ xuất hiện khi có ánh sáng xanh từ mặt trời. Để có được kết quả bất ngờ này, các chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm trên 2 loài chim là chim cổ đỏ châu Âu và chim manh manh.

Theo đó, chuyên gia từ Thụy Điển tìm thấy 3 loại Cryptochrome là Cry1, 2 và 4 có trong mắt chim manh manh. Giả thuyết đặt ra là cả 3 loại protein này đều chịu trách nhiệm cho khả năng cảm nhận từ trường. Tiếp đó, họ thực hiện một số thử nghiệm khác thì Cry1, 2 đã thay đổi mật độ đáng kể trong khi Cry4 luôn giữ được mức ổn định.

Còn các chuyên gia từ Đức cũng tìm ra kết quả tương tự và có phần thú vị hơn. Cry4 tập trung rất nhiều ở võng mạc của chim – nơi hấp thụ nhiều ánh sáng nhất. Như vậy, khả năng nhìn thấy từ trường phụ thuộc vào ánh sáng.

Nói tóm lại, con người giờ đã hiểu được rằng: Cry4 là thứ giúp chim nhìn thấy từ trường và “đi đúng đường, về đúng lối”. Nhưng chúng ta cũng chưa xác định chính xác được chúng thực sự trông thấy những hình ảnh như thế nào.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Không cần Google Map mà chim vẫn bay đúng đường bởi chúng sở hữu "vũ khí bí mật" này tại chuyên mục Ăn-Chơi của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Ăn-Chơi khác

"Bí kíp" nhận biết rắn có độc

Ở một đất nước nóng ẩm như Việt Nam, rắn bò vào nhà là chuyện không hiếm. Lúc đó, việc biết được con rắn ấy có độc hay không rất quan trọng. Vậy rắn độc và rắn không độc khác nhau ở điểm gì?