Khuyến cáo dịch bệnh gia tăng dịp cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh

'Giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan' - Đây là khuyến cáo vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 đang cận kề.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, số ca mắc bệnh COVID-19 tăng nhẹ trong tháng 12/2023. Song song đó, thế giới đã ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là JN.1 đang dần phổ biến ở nhiều nước với tính lây truyền cao hơn. Dù xuất hiện biến thể mới nhưng may mắn là hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về sự tăng nặng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng của biến thể phụ này so với các biến thể trước đó. Do đó, vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm phát hiện và thuốc điều trị COVID-19 được dự đoán là vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới JN.1. Điều này cho thấy, virus SARS-CoV-2 vẫn đang không ngừng biến đổi và có thể thay đổi đặc tính về lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tác dụng của vaccine, thuốc điều trị cũng như xét nghiệm chẩn đoán đối với virus.

Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu mua bán gia cầm tăng cao hơn so với bình thường, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A(H5N1) ở người. Cuối tháng 11/2023, Campuchia đã ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh cúm A(H5N1), nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 6 ca, trong đó có 4 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ gia tăng vào dịp cuối năm, HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình. Phòng ngừa các bệnh viêm hô hấp, người dân cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền); chú ý tiêm phòng đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, COVID-19. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người, người dân không nên sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thực hiện ăn chín, uống chín. Ngoài ra, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Khuyến cáo dịch bệnh gia tăng dịp cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.