Màu sắc khác thường này chỉ có ở ong cái, theo National Geographic. Đây là tín hiệu xua đuổi, cảnh báo động vật săn mồi về vòi chích nọc độc cực mạnh của chúng. Nọc độc của nó không gây chết người nhưng có thể rất đau đớn. Chỉ ong cái mới có vòi đốt dài cỡ 4 cm bởi đó là cơ quan đẻ trứng biến đổi thành. Giống như mọi loài ong bắp cày, vòi đốt rất trơn nhẵn, có nghĩa chúng có thể đốt nhiều lần.
Ong bắp cày không tạo thành đàn mà sống đơn độc ở vùng ven biển khô nóng của Chile. Chúng tìm kiếm thức ăn gồm mật hoa và côn trùng, có xu hướng sống ở khu vực nhiều cát để dễ dàng săn mồi và tìm tổ của côn trùng khác nhằm đẻ trứng vào. Loài này giao phối trong không trung, con đực có cánh sẽ nhấc con cái không bay được lên. Giới nghiên cứu không biết tại sao chúng làm vậy, nhưng nguyên nhân có thể để tránh động vật săn mồi, ngăn con đực khác ghép đôi hoặc ngăn ong cái bỏ chạy.
Sau đó, ong cái chui xuống dưới lòng đất tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Loài côn trùng này không tự đào tổ riêng mà đẻ trứng vào tổ của côn trùng khác như ong đất. Khi trứng nở, chúng sẽ ăn ấu trùng của vật chủ. Tiếp đó, chúng phát triển bên trong tổ, chuyển từ ấu trùng thành nhộng rồi trở thành con trưởng thành. Một con ong cái có thể đẻ tới 2.000 quả trứng trong vòng đời kéo dài hai năm.
Ong bắp cày có một kỹ năng bất thường khác là tạo ra âm thanh chói tai bằng cách cọ các bộ phận cơ thể như chân hoặc râu để xua đuổi kẻ thù hoặc phát tín hiệu ghép đôi. Dù những loài ong bắp cày khác trong họ Mutillidae có thể sản sinh âm thanh tương tự, tiếng ồn tạo bởi kiến gấu trúc đạt tới mức siêu âm.
(Theo Live Science)