
Liên đội trưởng Nguyễn Hồ Mỹ Ngân, lớp 5D chia sẻ: “Tiết chào cờ trở nên hấp dẫn, hào hứng đối với chúng tớ khi chính học sinh là người đánh giá, nhận xét phong trào thi đua của các lớp, còn thầy cô chỉ tổng hợp những nội dung quan trọng để đưa ra định hướng chung cho tuần học tiếp theo. Hơn nữa, tiết chào cờ còn là cơ hội để chúng tớ thể hiện, tài năng, năng khiếu về âm nhạc, kể chuyện, kỹ năng sống…”


Bên cạnh đó trong các tiết chào cờ, nhà trường còn lồng ghép các chủ đề liên quan trực tiếp đến học sinh như: phòng tránh bị xâm hại tình dục, phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước, cách xử lý các thương tích, cách ứng xử với thầy cô, bố mẹ, ông bà và với những người có hoàn cảnh khó khăn... Các hoạt động đó trang bị kỹ năng, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, có cách hành xử thông minh khi lâm vào tình huống khó.

Cô Lê Thị Mỹ Diệu, giáo viên Tổng phụ trách đội chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, Liên đội đã xây dựng kế hoạch thực hiện tiết chào cờ thân thiện. Theo đó, mỗi tháng trường tổ chức 2 giờ chào cờ thân thiện. Để tiết chào cờ trở nên sinh động, nhà trường lồng ghép tổ chức các chuyên đề theo tháng như: tháng 11 hướng đến tri ân thầy cô giáo; tháng 12 hướng đến ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam ... Qua đó, góp phần bồi dưỡng kiến thức, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống, tạo môi trường lành mạnh, trong sáng để học sinh học tập tốt hơn.”

“Để có một tiết chào cờ thật sự thân thiện, thầy cô bộ môn, Tổng phụ trách Đội phải lên kế hoạch, xây dựng nội dung, kịch bản cụ thể rồi thông qua Ban Giám hiệu để phê duyệt trước khi tổ chức”, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Trang, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.