Theo "The Conversation", có ba vùng não có liên quan mật thiết đến hiện tượng này. Đầu tiên là vùng dưới đồi, đây được xem là cầu nối giữa những cảm xúc bên trong và cảm giác vật lý bên ngoài, có kết nối mạnh mẽ với hệ thống nội tiết, chịu trách nhiệm cho các loại và số lượng kích thích tố chạy khắp cơ thể mỗi người.
Thứ hai là vùng hippocampus, một cấu trúc dưới vỏ não, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc học tập, tìm kiếm thông tin, sự kiện và được ví như cánh cửa bộ nhớ mà thông qua đó cho phép các thông tin được vào - ra khỏi não.
Thứ ba là vỏ não trước trán, nằm phía sau vùng mắt. Đây là vùng trung gian kiểm soát khả năng giữ, thao tác thông tin của não, kiểm soát xung động, đưa ra quyết định.
Khi bạn chuẩn bị cho một kỳ thi trong hoàn cảnh thoải mái như học bài ở nhà, không hề có bất cứ áp lực trực tiếp về mặt thời gian, không gian thì ba vùng não trên, đặc biệt là vùng dưới đồi hippocampus chậm sản xuất và "phát hành" các kích thích tố căng thẳng. Tuy nhiên, khi bạn vào trong một tình huống thi cử cụ thể, lúc này não sẽ ở trong vùng nhận thức “nóng”, khiến cho quá trình tư duy, điều khiển cảm xúc được kích hoạt, trở nên căng thẳng, bị đe dọa hơn.
Khi một mối đe dọa được phát hiện, vùng dưới đồi kích thích một số hoóc môn căng thẳng bao gồm norepinephrine và cortisol, làm giảm hiệu quả truyền thông thần kinh. Điều này về cơ bản là tạm thời xóa khỏi bộ nhớ những thông tin đã được lưu trước đó, gây hoảng loạn, ức chế khả năng tư duy logic.
Vậy làm cách nào để tránh khỏi điều này? Một trong những cách tốt nhất theo lời khuyên của các nhà khoa học là bạn hãy tập cho não làm quen có những phản xạ khi ở trong vùng nhận thức nóng. Điều này có nghĩa ngay trong khoảng thời gian ôn luyện, bạn nên chủ động tránh xa những cách thức học nhẹ nhàng, mang tính thư giãn. Thay vào đó, hãy cố gắng đẩy mình vào những thử nghiệm gần giống với kỳ thi thật nhất, ví dụ như hẹn giờ làm bài, ngồi trong phòng kín, không lật giở tài liệu thường xuyên cho đến khi kết thúc phần thi thử.
Theo thanhnien