Ngược dòng lịch sử
Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc đền tháp cổ của người Chăm xưa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Theo những ghi chép trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn thì khởi đầu, đó là một ngôi đền thờ thần Siva - Bhadravarman được làm bằng gỗ từ thế kỷ thứ IV. Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ VI, trong một cơn hỏa hoạn, ngôi đền đã bị cháy, hỏng. Sang đầu thế kỷ thứ VII, vua Sambhuvarman đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền chắc chắn hơn. Các triều đại vua Chăm tiếp theo từ đó vẫn tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ, đồng thời xây thêm nhiều đền tháp mới.
Sau nhiều thế kỷ liên tiếp xây dựng và tôn tạo, thánh địa Mỹ Sơn có khoảng hơn 70 công trình kiến trúc độc đáo bằng gạch đá, trở thành trung tâm kiến trúc linh thiêng quan trọng bậc nhất của người Chăm. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, hiện nay, Mỹ Sơn chỉ còn khoảng hơn 30 công trình, trong đó chỉ có khoảng 20 công trình giữ được dáng vẻ ban đầu.
Trung tâm kiến trúc, tôn giáo
Trải qua mỗi thời kỳ lịch sử, các đền tháp lại có kiến trúc mang phong cách, dấu ấn riêng của từng triều đại, nhưng hầu hết đều được xây dựng trên một mặt bằng hình tứ giác và gồm ba phần: Đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, thân tháp biểu hiện thế giới thần linh kỳ bí và phần trên cùng là hình người dâng hoa theo nghi lễ hoặc hình động vật, hoa lá gần gũi với cuộc sống.
Điểm đặc biệt ở các đền tháp là các viên gạch như chỉ được mài rồi chồng xếp lên nhau chứ không hề dùng các chất kết dính thông thường nhưng vẫn liền khối vững chắc. Trên gạch còn lưu giữ lại nhiều dấu tích của nghệ thuật điêu khắc, chạm nổi các hình ảnh sống động về các vị thần, tu sĩ, hoa lá, muông thú... Có thể nói, thánh địa Mỹ Sơn là minh chứng cho thấy đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm-pa, là niềm tự hào không chỉ của Việt Nam chúng ta mà còn cả của Đông Nam Á.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số 14 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |