Lo lắng trước thông tin không công bố đề thi đáp án THPT quốc gia

Nguyễn Hà
Thông tin Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án sau khi thi đã khiến không ít phụ huynh, học sinh cảm thấy lo lắng và không đồng tình.

Ngoài môn Ngữ văn Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án hầu hết các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Chính phủ vừa ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo. Trong đó có đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp... sẽ không được công bố chính thức. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2017.

Sau khi thông tin này được phổ biến rộng rãi, không chỉ các học sinh cuối cấp, sẽ tham gia kỳ thi sắp tới mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng tỏ ra khá hoang mang, lo lắng. Báo điện tử Thiếu niên Tiền phong đã ghi nhận thông tin...

Chú Nguyễn T.L (Thái Nguyên) cho biết: "Học sinh đi học bao năm nay, kể cả kỳ thi học kỳ hay kiểm tra hệ số 1 trên lớp, sau khi cô giáo ra đề, chấm bài và trả bài đều đưa ra đáp án, giải thích với học sinh cách làm, chỉ ra lỗi sai. Vậy mà với một kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá kiến thức và năng lực cho mỗi học sinh mà lại không công khai đề thi và đáp án. Chưa nói tới kết quả mà thí sinh nhận được đã đúng hay chưa, bọn trẻ liệu có biết mình đã làm sai ở chỗ nào để mà biết sửa".

Trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, nhiều tỉnh/ thành phố đã áp dụng phương án thi mới. Đó là cho các bạn học sinh lớp 12 thi theo hình thức trắc nghiệm tất cả các môn (trừ môn Văn) để làm quen. Một cô giáo chủ nhiệm ở trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) đã chia sẻ với phụ huynh trong buổi họp rằng, nhà trường đã chọn ra những câu hỏi dễ nhất trong ngân hàng đề thi, vậy mà kết quả vẫn chưa khả quan. Đến bản thân giáo viên làm đề thi trong vòng 50 phút cũng chỉ được 80 - 90% mà thôi. Vì thế việc chia nhỏ ra nhiều mã đề và khác nhau hoàn toàn không ai có thể đảm bảo mức độ khó/dễ như nhau cho mỗi thí sinh được. Và các thí sinh cũng không có đủ thời gian để nhắc hoặc hỏi bài của nhau.

Một phụ huynh giấu tên khác cho biết: "Bộ GD&ĐT có ngân hàng đề thi có hàng chục nghìn câu hỏi, ai đảm bảo rằng không có bất kỳ một lỗi sai nào cả. Khi cho máy tính thực hiện, chỉ cần 1 lỗi nhỏ cũng cho ra 1 kết quả khác rồi. Tôi rất lo lắng về tính chính xác của đề thi và đáp án nếu không được công bố".

Bạn Nguyễn.T. Long (Học sinh lớp 12, Thái Nguyên) cho biết: "Trong kỳ thi học kỳ I vừa rồi, trường mình đã thực hiện thi trắc nghiệm theo hình thức mới. Sau khi thi chúng mình cũng được mang đề thi về và nhà trường có công bố đáp án, nhưng bản thân mình làm nhiều và nhờ thầy cô giáo chữa đã phát hiện ra đáp án sai. Nhưng khi phúc khảo điểm số của mình vẫn không thay đổi. Nếu như tới khi thi thật, mình cũng gặp trường hợp như vậy mà không có đáp án và đề thi đối chiếu cũng không biết thế nào".

Bạn Diệu Chi năm nay có nguyện vọng dự thi vào trường Học viện Cảnh sát cho biết: "Nếu chúng mình không nhận được đề và đáp án thì quả thực rất lo lắng. Bởi theo mình nếu có đáp án sau khi thi mình có thể so sánh với kết quả bài làm sẽ bớt lo lắng hơn nhiều. Hơn nữa sẽ áng chừng được mức điểm để đưa ra lựa chọn nguyện vọng phù hợp với điểm thi hơn".

45.000 câu hỏi trắc nghiệm là con số mà Bộ GD&ĐT đã có trong ngân hàng đề thi. Như vậy số lượng câu hỏi nằm trong đề thi năm nay không quá lớn. Vì thế không công khai đề thi, đáp án có vẻ như hơi thiếu tính công bằng với thí sinh, làm mất đi quyền giám sát của họ. 

Trả lời phỏng vấn của báo Tiền phong, thầy Đàm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng đại học FPT cho rằng: Phải có bên thứ ba giám sát. Thực ra, thông thường kỳ thi của một số nước họ cũng không công bố, nhưng Việt Nam đã có tiền lệ là công bố đề thi hàng năm sau mỗi kỳ thi. Thi trắc nghiệm nhiều mã đề. Nên công bố cũng khó, vì công bố cũng rất phức tạp. Vấn đề là ở niềm tin. SAT hay ACT không công bố cũng không có ai thắc mắc. Đề trắc nghiệm theo kiểu năm nay thì công bố với không công bố khó khăn hơn. Đề trắc nghiệm khác với đề tự luận. Đề tự luận mỗi năm một chủ đề nhưng đề trắc nghiệm liên quan đến ngân hàng đề, công bố sẽ bị lộ, có thể dẫn đến chuyện luyện thi hay học tủ. Theo tôi, có thể không công bố nhưng phải có cơ quan giám sát. Tức là phải có một tổ chức thứ ba giám sát. Ví dụ như môn Toán có thể để hội Toán học Việt Nam giám sát, môn Lý để hội Vật lý giám sát...

 Ngọc Hà

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lo lắng trước thông tin không công bố đề thi đáp án THPT quốc gia tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.