1. Thân hình to lớn của khủng long
Khi nhắc tới rồng, hầu hết mọi người thường liên tưởng ngay đến hình dạng của khủng long - loài bò sát lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Nhưng cụ thể thì chúng có hình dạng và kích thước giống loài khủng long nào?
Câu trả lời được các chuyên gia lựa chọn khá bất ngờ, đó là Diplodocus - một chi khủng long ăn cỏ sống trong kỷ Jura. Những con Diplodocus có tổng chiều dài hơn 33 mét và trọng lượng cơ thể “siêu to khổng lồ”, khoảng từ 10-17 tấn.
Tưởng chừng kích thước “ngoại cỡ” ấy sẽ gây nhiều ảnh hưởng tới sự vận động của chúng song thực tế không phải vậy. Cấu trúc xương của Diplodocus (cũng như nhiều loài khủng long khác) rất đặc biệt: Xương của chúng phần lớn rỗng bên trong, điều này sẽ làm giảm tối đa sức cản và sự nặng nề trong quá trình di chuyển.
2. Đôi cánh của thằn lằn bay
Yêu cầu tiếp theo cần có ở một con rồng đó là khả năng bay lượn trên không. Theo các nhà khoa học, mấu chốt của việc bay nằm ở sải cánh. Để có thể bay lượn trên không, rồng cần có sải cánh “khủng” và cực khỏe giống như loài thằn lằn bay Quetzlcoatlus đã tuyệt chủng cách đây hàng chục triệu năm về trước.
Quetzlcoatlus sống ở thời Phấn trắng muộn và là một trong những loài sinh vật biết bay to lớn nhất từng được biết đến trên Trái Đất. Độ dài sải cánh của chúng ước tính khoảng 9,7 – 11 mét, gần bằng sải cánh của một chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 (khoảng 14,7 mét). Với kích cỡ ấy, đôi cánh Su-30MK2 có thể nhấc bổng phần thân nặng tới 34,5 tấn lên không trung một cách dễ dàng.
3. Vảy của cá mập
Theo các nhà khoa học, để tăng khả năng di chuyển trên mặt đất, một con rồng thật sự cần có một bộ vảy đặc biệt - vảy cá mập.
Điều này khác xa những con rồng với làn da cứng như đá trong các bộ phim khoa học giả tưởng. Vảy dày, xương cứng, sừng nhọn và những phần cơ thể gồ ghề - tất cả đều sẽ khiến một con rồng bị kéo trĩu xuống khi bay.
Nhìn xa, bạn có thể cho rằng cá mập không có vảy. Thực chất, bộ da của chúng được phủ rất nhiều vảy nhỏ, khi sờ vào bạn có thể thấy nhám như giấy ráp. Đây là loại vảy nhỏ, hình chữ V, ôm sát vào thân người. Vảy này giúp giảm lực cản khi bơi hay di chuyển nói chung, giúp cá mập trở thành “sát thủ” bậc nhất của đại dương.
4. Và khả năng phun lửa của “bọ pháo thủ”
Một trong những hình ảnh thường xuất hiện khi nhắc tới rồng là khả năng phun ra ngọn lửa với sức công phá cực lớn. Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà sinh vật học cho rằng: Nhiều khả năng, hình tượng rồng phun lửa có nguồn gốc thực tế từ một loài bọ cánh cứng tên Stenaptinus insignis, còn gọi là “bọ pháo thủ”.
“Bọ pháo thủ” có mặt ở hầu hết các châu lục trên thế giới với số lượng khá lớn. Chúng là sinh vật chuyên săn mồi về đêm và thức ăn chủ yếu là côn trùng, ấu trùng của các loài nhỏ hơn.
“Bọ pháo thủ” sở hữu một loại vũ khí tự vệ vô cùng hữu dụng. Phía bụng sau của loài này có những ngăn chứa chất hóa học hydroquinone và hydrogen peroxide riêng biệt. Khi gặp phải kẻ thù hoặc bị kích thích, đe dọa, “bọ pháo thủ” đồng thời tiết ra cả 2 chất này, cộng thêm xúc tác là enzyme trong cơ thể để tạo thành chất benzoquinone rồi phun ra ngoài.
Phản ứng tạo benzoquinone tỏa rất nhiều nhiệt. Chất lỏng phun ra có sức nóng lên tới gần 100 độ C và có mùi hôi khó chịu. Chứng kiến cảnh tượng “bọ pháo thủ” phun nọc, người ta không thể không liên tưởng tới hình ảnh những chú rồng phun lửa trong truyền thuyết.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |