Rajesh Sharma hiểu rất rõ những khó khăn mà trẻ em nước này đang phải đối mặt. Chính bản thân "người thầy bất đắc dĩ" này cũng từng phải bỏ học giữa chừng vì không đủ điều kiện kinh tế.
Không có chuông báo giờ học, không bàn, không ghế, chỉ có người thầy và những tấm bảng đen cùng khoảng 200 đứa trẻ là con em của những người lao động nghèo quanh khu vực đó tới học. Lớp học của thầy Rajesh Sharma bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều với các môn học hấp dẫn như Tiếng Anh, Khoa học, Toán học, Lịch sử, Địa lý. Vào ngày thứ 7 cuối tuần, các bạn học sinh nghèo còn được chơi bóng chày, bóng đá, cầu lông và tập thể thao bên các thiết bị được tặng.
Lớp học này tồn tại, một phần nhờ sự quyên góp, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội (Ảnh: Ahmer Khan)
Mới đầu lớp học dưới gầm cầu này chỉ có 2,3 học sinh nhưng nay đã lên tới 200 (Ảnh: Ahmer Khan).
Thầy giáo Rajesh (45 tuổi) chia sẻ với trang BuzzFeed rằng: "Hồi đó tôi đi ngang qua khu vực này và chứng kiến đám trẻ con của những người lao động chơi với bùn đất khi chiếc cầu vẫn đang xây dựng. Tôi nói chuyện với cha mẹ chúng và hỏi vì sao họ không cho con tới trường thì họ chia sẻ rằng chúng tôi cũng muốn cho chúng đi học lắm nhưng không đủ tiền đóng học phí và trường thì cũng xa quá".
Sau đó vào năm 2007 thầy Rajesh Sharma bắt tay vào việc mở trường học miễn phí cho học sinh nghèo ngay bên dưới cây cầu. Mới đầu lớp học tình thương này cũng khá khó khăn bởi không có đầy đủ cơ sở vật chất, sách vở. Nhưng sau đó mọi người đã quyên tặng sách, đồng phục, đồ ăn... Số học sinh đã tăng dần từ khoảng 50 bạn năm 2010 lên gần 200 bạn trong 7 năm sau đó.
Năm 2011, được truyền cảm hứng trước việc làm của thầy Rajesh Sharma, Laxmi Chandra, một giáo viên ở Bihar, hiện đang sống tại Delhi, đã tham gia hỗ trợ thầy Sharma dạy thêm các bạn môn khoa học và toán học.
Một tình nguyện viên khác của lớp là Umar Imam, cho biết đã rất sung sướng khi được dạy những đứa trẻ thiệt thòi. Anh nói: “Thoạt đầu tôi dành cho chúng khoảng hai tiếng trong ba ngày, nhưng bây giờ tôi đã ở cùng với lớp học đặc biệt này thêm tới bốn giờ đồng hồ mỗi ngày”. Hiện này lớp học miễn phí này đã có năm tình nguyện viên hỗ trợ công tác giảng dạy.
Là người thầy tâm huyết với lớp học này, Rajesh Sharma rất mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội để được phát triển cơ sở hạ tầng, giúp trẻ em Ấn Độ không phải khó khăn khi tới trường nữa.
Ngọc Hà (Dịch)
Nguồn: Metro