Lớp tớ gặp "cô nhà báo" trong sách giáo khoa

Cún Bông Chăm Học
Mỗi khi học một bài trong sách giáo khoa, bạn có mong ước một ngày nào đó mình sẽ được gặp tác giả bài viết không? Cứ tưởng khó lắm, thế mà lớp 4M1, trường Tiểu học Marie Curie, Hà Nội đã được đón nhà thơ, nhà báo Bảo Ngọc đến giao lưu đấy. Cô là tác giả của hai tác phẩm “Gặt chữ trên non” và “Vẽ màu” trong Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt (bộ Kết nối Tri thức) lớp 4.

Cách “tìm chữ” vui lắm nhé!

Đầu tiên, theo yêu cầu của chúng tớ, nhà thơ đã chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác 2 tác phẩm mới được giới thiệu trong SGK. Vừa kể chuyện, tác giả đã dẫn dắt các bạn cách tìm “những từ hay”, cách “giải mã” những hình ảnh ấn tượng, để từ đó, mỗi bạn đọc biết chạm đến những rung cảm sâu sắc ẩn đằng sau câu chữ. Qua tâm sự của nhà thơ, chúng tớ đã hiểu hơn về nội dung tác phẩm, cũng như học được cách viết văn súc tích hơn.

“Cô nhà thơ” trong mắt chúng tớ!

Phương Anh, Đức Cường rất vui khi lần đầu được trò chuyện trực tiếp với một tác giả viết SGK. Các bạn nói: “Chúng tớ có cảm giác buổi giao lưu giống như việc được gặp cô tiên bước ra từ thế giới cổ tích. Trước kia, chúng tớ nghĩ nhà văn, nhà thơ ở tận đâu xa lắm nhưng không ngờ, họ ngay gần chúng ta. Hơn nữa, qua chia sẻ của nhà thơ, chúng tớ hiểu rằng, mọi sự vật, sự việc xung quanh đều thú vị. Chỉ cần chăm chú quan sát rồi viết ra những điều đó, dần dần ngôn ngữ sẽ phát triển và có thể tạo nên những áng văn thơ hay”.

Khi cảm hứng được truyền thêm cảm hứng!

Trong thời gian giao lưu, chúng tớ còn rất hào hứng khi được cùng nhà thơ tập làm thi sĩ. Nếu Hồng Nhi viết những vần thơ tặng cụ của mình thì Bảo Uyên dành những ngôn từ đẹp đẽ để kể về bà hàng xóm thường làm công việc nhặt ve chai, Cẩm Châu nói về sự thiếu thốn quần áo, sách vở của học sinh vùng cao. Lắng nghe những vầng thơ của các bạn nhỏ, tác giả Bảo Ngọc vừa bất ngờ, vừa xúc động. Cô bày tỏ: “Chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng các con đã có những “tác phẩm” rất ý nghĩa. Cách gieo vần các con có thể chưa trôi chảy nhưng tình cảm mà các con thể hiện mới là điều đẹp nhất. Cảm ơn các con đã cho cô những giây phút lắng đọng và khó quên!”.

Vài “bật mí” về tác giả yêu quý!

Nhà thơ Bảo Ngọc, tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc. Cô là phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam). Ở Báo TNTP và Nhi đồng, cô là Trưởng ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong thứ Sáu - chính là tờ “Cún Bông chăm học” rất gần gũi với chúng mình. Ngoài ra cô còn là thành viên hội đồng Giám khảo nhiều cuộc thi cho thiếu nhi, trong đó có cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU.

Kết thúc chương trình, chúng tớ được ký tặng sách, báo và cùng chụp ảnh lưu niệm nữa. Cầm trên tay món quà của tác giả, ai cũng say sưa đọc và mong có thêm cơ hội giao lưu với nhiều nhà thơ, nhà văn nhiều hơn nữa.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lớp tớ gặp "cô nhà báo" trong sách giáo khoa tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

"Phép màu" ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Chào mừng 70 năm thành lập ngành Giáo dục đào tạo Thủ đô, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã tổ chức đại nhạc hội Hoa Tháng Năm với chủ đề "Phép màu" tại Cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội).

Ngôi trường 70 năm trao truyền tri thức "Vững trí tuệ, sáng ước mơ"

Sáng 19/11, Trường THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 70 năm truyền thống ngành Giáo dục Thủ đô, 70 năm thành lập trường; đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội, Cờ đơn vị xuất sắc công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô.

Cảm xúc của thầy cô về ngày 20/11

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), một ngày đặc biệt của người cầm phấn. Trong mỗi "người lái đò" đều có những cảm xúc thật đặc biệt. Dịp này, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của thầy cô trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) nhé!