Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội

HÀ THU (thực hiện)
Gần 10 năm công tác tại báo Quảng Nam, nhà báo Alăng Ngước (dân tộc Cơ Tu) đoạt nhiều giải thưởng báo chí trong tỉnh và toàn quốc. Nhà báo thế hệ 9X từng được tham dự trại hè Phóng viên tuổi hồng (PVTH) báo Thiếu niên Tiền phong (nay là báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng)

Chúng ta cùng nghe anh Alăng Ngước chia sẻ về ước mơ tuổi thơ và sự nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu nhé!

Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội - Ảnh 3
Nhà báo Alăng Ngước (thứ ba từ phải sang) nhận giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

Chào anh Alăng Ngước! Được biết, anh sinh ra ở làng Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ của trẻ em Cơ Tu hồi đó có gì đặc biệt?

Tôi vẫn nhớ như in tháng ngày theo chân cha mẹ lên rẫy. Ngày đó, dù rất nhỏ, nhưng anh em chúng tôi đều tự biết giúp việc nhà. Không đủ sức dọn rẫy, tôi thường hay vào rừng bẻ măng, xuống suối câu cá để phụ bữa ăn gia đình. Nghèo khó nên người Cơ Tu xem rẫy như một “nghề” kiếm sống. Quanh năm lam lũ, người ta thậm chí dựng duông (chòi) trong rừng sâu để canh mùa rẫy. Trẻ con được cha mẹ dắt díu lên duông ở nên nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng. 

Làng tôi phía bên kia sông R’lang, mùa mưa, nước lũ dâng cao khiến làng bị cô lập. Không muốn nghỉ học, nhiều lần khi nước vừa rút, tôi phải nhờ anh trai cõng qua sông đến trường. Ham học từ nhỏ, gần như suốt thời cắp sách, tôi chưa tự ý nghỉ học, trừ ốm đau, mưa lũ quá lớn.

Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội - Ảnh 5
Nhà báo Alăng Ngước trong một lần tác nghiệp vùng cao. Năm 2020, anh đoạt giải A - Giải báo chí toàn quốc viết về tấm gương “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức.

Anh bén duyên với việc viết bài đăng báo và trở thành PVTH báo TNTP như thế nào?

Những năm Tiểu học, phần thưởng cuối năm của tôi ngoài những cuốn vở, còn có mấy tờ báo Nhi Đồng, Thiếu nhi Dân tộc (chuyên san của báo TNTP). Những lúc đi câu cá, hay cùng cha mẹ lên rẫy, tôi thường mang theo tờ báo bên mình để tranh thủ đọc. Thời đó, thấy nhiều bạn viết về cuộc sống nơi họ đang sống, kể câu chuyện “người tốt, việc tốt”, thậm chí phê phán hành động không đẹp… nên tôi ấp ủ sẽ học theo viết bài gửi báo. 

Lên THCS, tôi may mắn được học ở trường Dân tộc nội trú huyện. Tại đây, tôi được tiếp cận nhiều tờ báo hơn. Đọc báo Thiếu nhi Dân tộc (TNDT), thấy nhiều bạn được đăng bài kèm theo địa chỉ trường lớp, dân tộc càng thôi thúc tôi cố gắng để… có tên trên báo. Sau thời gian suy nghĩ, tôi thử viết bài đầu tiên bằng thư tay, rồi nhờ người mang lên bưu điện huyện gửi giúp. Bài đó, tôi viết về chuyện rừng quê tôi bị tàn phá nghiêm trọng khiến người dân đau lòng. Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng bài “Rừng ơi…” của tôi xuất hiện trên mặt báo TNDT. Khi cô giáo chủ nhiệm gọi tôi lên nhận báo và nhuận bút, tôi sung sướng nhảy cẫng lên reo hò ầm ĩ quên là đang trong giờ học. Tôi bén duyên với báo TNDT từ đó. Sau khi có 3 bài được đăng, tôi trở thành PVTH của báo và nhen nhóm ước mơ trở thành nhà báo. Nay ước mơ đó đã trở thành hiện thực!

Là nhà báo, anh luôn có  mặt ở các bản làng xa xôi, vào tận nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển tải thông tin đến bạn đọc kịp thời. Anh nhận thấy trẻ em Co Tu ngày nay so với thời anh có gì khác?

Khác nhiều lắm! Thời chúng tôi cuộc sống nghèo khó, điều kiện học tập, đi lại gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng, đa số đều rất ham học. “Tấm gương người đi trước soi cho người theo sau”, cứ thế, nhiều thế hệ Cơ Tu vượt khó, nỗ lực trong học tập, trở thành gương sáng trong cộng đồng. Tiêu biểu như ông Bh’riu Liếc - nguyên Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam); Tiến sĩ Alăng Thớ - giảng viên trường Đại học quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; anh Bríu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tây Giang, từng là PVTH của báo TNTP…

Bây giờ, cuộc sống đã có nhiều đổi thay; điều kiện học tập, đi lại của học sinh miền núi nói chung và Cơ Tu nói tiêng cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Trẻ em bây giờ tiếp cận công nghệ nhanh hơn thời chúng tôi, nhưng lại có xu hướng “sa đà” nhiều hơn khiến việc học tập trễ nải. Đó là chưa kể đến những lai tạp trong cuộc sống, trong văn hóa khiến nhiều vùng, trẻ em không nói được tiếng mẹ đẻ. Một hệ lụy đáng tiếc!

Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội - Ảnh 4
Nhà báo Alăng Ngước trong chuyến công tác tại Lào.

Là người con Cơ Tu, anh mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua những bài báo?

Đau đáu với bản sắc truyền thống, bên cạnh tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực văn hóa trong cộng đồng Cơ Tu, thông qua bài viết của mình, tôi chỉ ra những gì cần bảo tồn, những gì cần loại bỏ. Tôi nghĩ, với người làm truyền thông, đó là cách tốt nhất góp phần giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông.

Vốn có lợi thế là người Cơ Tu, những tác phẩm báo chí của tôi, bên cạnh phản ánh câu chuyện thời sự về nhịp sống mới, tôi miệt mài khai tác sâu hơn về lĩnh vực văn hóa, từ đời sống, những đổi thay, cho đến công tác bảo lưu nếp sống cũ trong cộng đồng. Thông qua bài viết, tôi cổ vũ những việc làm hay, mô hình ý nghĩa trong việc chung tay gìn giữ bản sắc truyền thống; đồng thời cũng một mặt phê phán những hành động sai trái trong cách tiếp nhận văn hóa ngoại lai, hủ tục lạc hậu, nhất là câu chuyện người trẻ đang có xu hướng “thờ ơ, buông thả” với văn hóa truyền thống, khiến công tác bảo tồn đứng trước nhiều thách thức.

Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội - Ảnh 1
Gia đình Nhà báo Alăng Ngước trong trang phục truyền thống Cơ Tu.

Tôi tự hào về văn hóa của dân tộc mình, trong những dịp hội  hè hoặc những buổi lễ trọng, tôi đều diện sắc phục truyền thống. Ngay cả những đứa con của mình, tôi dạy cho chúng biết về nguồn cội, nhận biết giá trị văn hóa cha ông. Trong những chuyến công tác lên vùng cao, tôi góp tiếng nói của mình, ý kiến thẳng thắn với chính quyền địa phương, các già làng, người có uy tín liên quan vấn đề thực tế về nguy cơ biến dạng văn hóa trong giới trẻ, trong một bộ phận cộng đồng miền núi. Từ đó, để kịp thời chấn chỉnh, với mục đích cuối cùng, là giữ cho được văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.

Cảm ơn anh! Chúc anh ngày có thêm nhiều tác phẩm hay viết về quê hương mình!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Mặc trang phục dân tộc để biết về nguồn cội tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Những sứ giả của Nha Trang

Những sứ giả ấy là các thí sinh tham gia cuộc thi “Người dẫn chương trình về Nha Trang hay nhất năm 2024” do Đài PH-TH Khánh Hòa tổ chức nhằm chào mừng Kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024).

Bốn mùa trồng cây, bốn mua hái quả

Trong nhiều năm qua, ngày hội trồng cây luôn là sự kiện lớn của cô và trò trường Tiểu học Hoa Lư (Thanh Khê, Đà Nẵng), nhằm thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm của mình đối với môi trường sống.