Theo đồng hồ sinh học của con người, thời điểm sáng sớm là lúc bộ não hoạt động ở công suất cao nhất. Chính vì vậy, chúng ta nên học bài vào sáng sớm thay vì thức đêm. Vào giai đoạn ôn thi, buổi tối nên tập trung học bài và đi ngủ sớm để buổi sáng có thể dậy ôn bài. Thời gian học tập, dù là vào buổi sáng hay buổi tối thì cũng cần được sắp xếp hợp lý, nên hãy cố gắng "san" đều lịch học vào các ngày trong tuần, tránh để đến gần ngày kiểm tra mới học.
Vậy làm thế nào để hình thành thói quen dậy sớm, hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây nhé.
1. Đi ngủ sớm
Trong thời gian ôn thi, có nhiều bạn cần mẫn học bài thâu đêm, chỉ chợp mắt 2 đến 3 tiếng rồi lại dậy sớm học bài tiếp, hoặc uống cà phê cho tỉnh ngủ. Đây là thói quen học bài rất có hại cho sức khỏe bởi buổi sáng hôm sau bạn còn phải tới lớp cả ngày. Nếu thường xuyên ngủ không đủ giấc thì các bạn có thể bị suy nhược cơ thể, ngất xỉu trong lớp học đó. Nên để việc dậy sớm học bài có hiệu quả thì cần phải đi ngủ sớm. Thời gian hợp lý là ngủ lúc 10 giờ 30 phút hoặc 11 giờ và phải đảm bảo thời gian ngủ ít nhất 6 tiếng. Sau đó, 5 giờ sáng bạn có thể thức dậy học bài.
2. Bật đồng hồ báo thức
Hãy đặt đồng hồ báo thức xinh xắn ngay cạnh giường ngủ nhé. Đó sẽ là một “chú gà trống” thông minh báo thức bạn dậy sớm học bài đều đặn mỗi sáng. Nên chọn đồng hồ báo thức có âm lượng thật to để nếu như bạn có say sưa ngủ nướng thì chuông đồng hồ inh ỏi buộc bạn phải thức giấc. Với những bạn mắc bệnh buồn ngủ trầm trọng thì có thể đặt thêm một vài chiếc đồng hồ nữa ở đuôi giường hoặc một chỗ thật khó lấy trong phòng. Việc bạn đi tìm ra chúng để tắt chuông đi cũng là một bài tập thể dục tiêu diệt gọn tình trạng ngái ngủ. Không nên đặt báo thức bằng điện thoại bởi sóng điện từ phát ra từ điện thoại ảnh hưởng không tốt tới não bộ. Trước khi đi ngủ, hãy để dễ yêu cách xa giường của bạn.
3. Ăn lót dạ bữa sáng
Khi học bài sáng sớm, những âm thanh réo rắt từ chiếc bụng kẹp lép sẽ khiến bạn phân tâm, chỉ muốn ngủ tiếp hoặc chẳng thể nào tập trung vào bài tập được. Bởi vậy hãy ăn gì đó lót dạ như bánh mì hoặc sữa, bột ngũ cốc ít đường. Thời gian vận động pha chế đồ ăn nhanh sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn. Ngoài ra, cũng có thể bật một bản nhạc tươi vui để chào buổi sáng nhé!
4. Lên danh mục bài học từ trước
Tốt nhất trước khi đi ngủ, bạn hãy liệt kê đầy đủ những môn học cần phải giải quyết triệt để vào buổi sáng ra giấy nhớ. Bởi vì khi mới ngủ dậy, bạn vẫn còn lơ mơ lưu luyến “gối chăn”. Một kế hoạch học tập chi tiết đính ngay ngắn trên góc học tập sẽ khiến bạn nắm bắt nhanh những việc phải làm và bắt đầu “chinh chiến” với nó thôi.
5. Nhân rộng phong trào cùng đồng đội
Để việc học tập buổi sáng có hiệu quả hơn, hãy ỉ ôi nhóm bạn thân của mình cùng tham gia và thi xem ai dậy sớm nhất, học bài hiệu quả nhất nhé. Đây là một sáng kiến rất hay vì không những cả nhóm có tinh thần thi đua mà còn hỗ trợ được cho nhau. Bạn sẽ thấy thật hào hứng nếu như mình là người lúc nào cũng dậy đúng giờ và còn ra oai khi nhắn tin, gọi điện chíu chít giục bạn mình nhanh nhanh ra khỏi giường. Và tất nhiên, nếu chăm chỉ học tập tốt, điểm số của cả nhóm lúc nào cũng chót vót rồi. Khi đó cả nhóm tha hồ hẹn hò ăn uống vào cuối tuần nhé!
Khi cơ thể hình thành thói quen dậy vào đúng thời điểm nhất định trong ngày thì bạn sẽ không cần đồng hồ nữa đâu. Nói một cách khác, bạn đã chủ động hình thành một nhịp sinh học cho cơ thể. Để có thể dậy đúng giờ thì bạn cũng cần phải rèn cho cơ thể đi ngủ đúng giờ (không thức khuya). Nếu trước khi đi ngủ bạn luôn lặp đi lặp lại thời gian muốn thức dậy, não bộ của bạn sẽ ghi nhớ và phát ra những tín hiệu giúp bạn có thể dậy sớm hơn.y vọng các bạn có thể học được kinh nghiệm gì đó để cải thiện chất lượng học của mình.
Ngọc Hiệp (Tổng hợp)