Nam sinh ĐH Princeton phát minh ra 'khắc tinh' của ChatGPT

Bảo Bối
Ứng dụng có thể phát hiện được văn bản do AI viết - được Edward Tian viết trong một quán cafe ở Toronto (Canada) và nhận hơn 80.000 lượt truy cập kể từ khi ra mắt vào ngày 03/01/2023.

Nền tảng gia đình vững chắc

Edward Tian sinh ra ở Tokyo (Nhật Bản), lớn lên ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Toronto (Canada) và hiện đang theo học song bằng khoa học máy tính và báo chí tại Đại học Princeton (Mỹ).

Chàng sinh viên hiện đang làm phóng viên cho tờ báo The Daily Princetonian của trường. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, Tian là thực tập sinh kỹ thuật phần mềm tại Microsoft.

Nam sinh ĐH Princeton phát minh ra 'khắc tinh' của ChatGPT - Ảnh 3

Cha mẹ Tian đều là kỹ sư phần mềm đến từ Bắc Kinh. Bà của Tian, người mà cậu coi là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất cuộc đời, là một kỹ sư điện tốt nghiệp Đại học số 1 châu Á - Thanh Hoa. Bà đã nuôi dạy Tian và các anh chị em của cậu, đồng thời dạy họ tiếng Trung Quốc từ thuở nhỏ.

Lòng hiếu học đã khởi phát ngay từ thời thơ ấu của Tian. Cậu bé đã quan tâm đến sự giao thoa giữa khoa học máy tính và báo chí cũng như cách sử dụng công nghệ để nâng cao nghệ thuật kể chuyện đa phương tiện trong truyền thông.

"Tian là một nhà lãnh đạo định hướng quốc tế đáng tự hào, là đại sứ chương trình thực tập quốc tế của Princeton và là cây bút của tờ The Daily Princetonian. Được truyền cảm hứng từ chương trình thực tập quốc tế (IIP) ở Uganda, cậu ấy sử dụng một năm nghỉ phép (gap year) để làm việc cho hãng tin BBC châu Phi", website của Đại học Princeton giới thiệu.

"Có một vẻ đẹp ngầm trong cách hành văn của con người"

Phần mềm GPTZero, được Edward Tian viết trong 3 ngày tại một quán cà phê tại Toronto (Canada), đã được 80.000 người truy cập kể từ khi ra mắt vào ngày 03/01/2023, Tian cho biết khi trả lời phỏng vấn của The South China Morning Post.

Edward Tian cho biết cậu sẽ giữ một phiên bản GPTZero miễn phí, ngay cả khi được mời làm việc với dịch vụ phát hiện đạo văn Turnitin và các công ty khác.

Với khẩu hiệu "con người xứng đáng được biết sự thật", ứng dụng này nhằm hỗ trợ các nhà giáo dục có thể đánh giá liệu một văn bản được viết bởi con người hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Nam sinh ĐH Princeton phát minh ra 'khắc tinh' của ChatGPT - Ảnh 1

Trong buổi ra mắt GPTZero, Tian đã trích dẫn một bài xã luận đăng trên tạp chí The New Yorker vào tháng 3/2015 của nhà văn người Mỹ John McPhee - người đã truyền cảm hứng cho Tian về vẻ đẹp của văn xuôi.

"Có khả năng viết, hoặc viết nguyên bản, sẽ vẫn là một kỹ năng quan trọng. Vì vậy, giá trị của các nhà văn sẽ không đổi", Tian nói, đồng thời khẳng định rằng xã hội vẫn sẽ có nhu cầu cố hữu đối với văn xuôi nguyên bản ngay cả khi AI đang trở nên tốt hơn trong việc tạo ra văn bản.

"Có một vẻ đẹp ngầm trong cách hành văn của con người".

Sử dụng công nghệ có trách nhiệm

Ứng dụng GPTZero bị quá tải ngay sau khi ra mắt, khiến máy chủ lưu trữ trực tuyến Streamlit phải can thiệp để hỗ trợ lượng truy cập web lớn hơn.

Dù cho rằng "có quá nhiều sự cường điệu và hào hứng xung quanh ChatGPT", Tian không phản đối việc sử dụng các công cụ này.

GPTZero "không phải là một công cụ để ngăn chặn việc sử dụng những công nghệ này. Nhưng với bất kỳ công nghệ mới nào, chúng ta cần có khả năng áp dụng nó một cách có trách nhiệm và chúng ta cần có các biện pháp bảo vệ", Tian nói. "Đó là động lực chính cho GPTZero."

Nam sinh ĐH Princeton phát minh ra 'khắc tinh' của ChatGPT - Ảnh 2

"Chiếc hộp Pandora" của công nghệ

ChatGPT là "chiếc hộp Pandora" của công nghệ truyền thông xã hội, Tian nhận định, vì nó đi kèm với những ưu và nhược điểm giống như bất kỳ công nghệ mới nào.

"Mặc dù đó là một sự đổi mới tuyệt vời, nhưng cũng có rất nhiều nhược điểm".

Con người có xu hướng viết với nhiều biến thể trong câu: suy nghĩ lan man, câu dài bên cạnh câu ngắn, câu chủ động bên cạnh câu bị động. Trong khi đó, văn bản do AI viết có xu hướng đồng nhất, theo Tian.

Chính vì vậy, GPTZero sử dụng hai biến perplexity (“sự rối rắm”) and burstiness (“sự bùng nổ”) để xác định xem văn bản được viết bởi người máy (bot) hay con người.

Perplexity đo lường độ phức tạp của văn bản. Nếu một văn bản không quen thuộc (gây bối rối) đối với bot, thì nhiều khả năng nó đã được viết bởi con người. Nếu văn bản quen thuộc với bot, thì nhiều khả năng nó được tạo bởi AI.

Sau đó, GPTZero sử dụng các thang điểm để đánh giá mức độ và đưa ra kết luận là bài viết do người hay AI viết.

(theo VietNamNet)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nam sinh ĐH Princeton phát minh ra 'khắc tinh' của ChatGPT tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Lớp trưởng vui tiến bước

Là lớp trưởng của lớp 3A1 (trường Tiểu học Cổ Nhuế 2A, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cậu bạn Hồ Nhật Minh lúc nào cũng rất hòa đồng và gương mẫu trong học tập, rèn luyện.

4 sinh viên đạt giải cao cuộc thi an ninh mạng quốc tế

Vượt qua hàng loạt thử thách cam go tại cuộc thi an ninh mạng quốc tế Cyber SEA Game 2024, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành giải nhì, góp phần đưa trình độ của sinh viên nước nhà tiến gần hơn với chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin.

"Đại sứ nhí" yêu quê hương

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tỏa nắng và giọng nói ngọt ngào là những ấn tượng đầu tiên của mọi người khi lần đầu gặp bạn Bùi Minh Ánh (lớp 5A1, trường Tiểu học Quang Trung, Gia Lâm, Hà Nội) – học sinh đã xuất sắc giành giải Nhì tại cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội" năm 2024.

Chân dung Quán quân đường lên đỉnh Olympia 2024

Vượt qua 143 thí sinh, lập nên kỷ lục lần thứ 7 mang về cầu truyền hình cho THPT Chuyên Quốc học Huế, "nhà leo núi" Võ Quang Phú Đức - 12 chuyên Toán đã gây ấn tượng bởi màn thể hiện xuất sắc tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 và giành Vòng nguyệt quế.