Nâng tầm văn hóa đọc

Bên cạnh những nguồn sách từ các đơn vị xuất bản thì các thư viện đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc “dẫn đường” cho bạn đọc.

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đang dần thay đổi thói quen trong văn hóa đọc của mỗi người. 

Sự chệch lệch

Những năm gần đây, văn hóa đọc đang dần thay đổi khi sách in có xu hướng giảm. Bạn đọc đến thư viện đang có xu hướng ngày càng giảm. Sự phân bố tài liệu đọc giữa thành thị và nông thôn mất cân đối khi hệ thống thư viện công cộng mới phủ kín tỉnh và huyện, còn vùng nông thôn rộng lớn là xã, thôn mới chỉ phát triển rất ít và nghèo nàn về nội dung. Cùng với đó, công tác xuất bản có xu hướng cho ra đời các bộ sách dày trên nhiều lĩnh vực, thực chất chỉ nhằm vào những người đọc có thu nhập cao trong xã hội... Theo số liệu thống kê thì lượng sách trong những năm trở lại đây đã đạt khoảng trên 26 ngàn đầu sách, nhưng có tới 80% là sách giáo khoa, giáo trình.

Việc nâng tầm văn hóa đọc là câu chuyện không thể “ngày một, ngày hai” có thể giải quyết.

Việc nâng tầm văn hóa đọc hiện nay Việt Nam đang gặp khó khi chưa có một tổ chức nào, một hoạt động xã hội nào xây dựng thói quen đọc có hệ thống. Hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Hoặc số lượng tên sách được xuất bản hàng năm đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng chất lượng sách không được phát triển phù hợp, có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, thiếu định hướng rõ rệt trên hai bình diện nâng cao và phổ cập kiến thức, cho nên hiệu quả chưa cao và giá sách còn cao so với thu nhập trung bình của người dân. Chưa hình thành được các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên qui mô quốc gia cũng như trên phạm vi khu vực hoặc tỉnh... Chưa kể, công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc chưa được thực hiện thường xuyên liên tục và có định hướng. Ngay ở những cơ quan có chức năng hướng dẫn dân chúng đọc như hệ thống thư viện công cộng, cơ quan phát hành sách, phương tiện truyền thông đại chúng... cũng thực hiện chưa thường xuyên, chưa hấp dẫn và đa dạng. Hay các tạp chí giới thiệu, hướng dẫn đọc tuy xuất bản nhiều nhưng chưa đến được công chúng rộng rãi. Các hội chợ sách chưa được tổ chức định kỳ thường xuyên và cũng mới chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Chưa kể, mạng lưới xuất bản, in và phát hành còn chưa rộng khắp. Giá thành xuất bản phẩm còn cao.

Người “dẫn đường”

Rõ ràng để giải quyết những vấn đề nâng tầm ngành xuất bản hay thư viện cũng nhằm tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển không phải là câu chuyện “ngày một ngày hai”. Đây là một quá trình lâu dài với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Ngay như việc để nâng tầm văn học đọc thì ngay tại môi trường sẵn các “tài nguyên” về sách như thư viện đang rất cần sự chuyển biến, không theo những cách làm “xưa cũ” quen thuộc. Tại đó, vai trò của cán bộ thư viện giờ đây phải như những người “dẫn đường” cho chính bạn đọc. Họ phải là những người đảm đương công việc tìm kiếm và cung cấp thông tin cho bạn đọc. Không những vậy, những người làm thư viện còn phải cần được đào tạo nâng cao các kỹ năng phục vụ để thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc. Có thể hiểu cán bộ thư viện ngay này không chỉ làm những công việc mà họ đã từng làm quen thuộc mà bao gồm nhiều việc khác. Như công nghệ thông tin để quản lý thông tin, quản trị web, kỹ thuật viên… để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thúy Ngà: Để phát triển văn hóa đọc thì các nhà xuất bản có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì sách hay, sách tốt chính là tạo ra nguồn cảm hứng, chính là kênh để mọi người tiếp cận thông tin và tri thức. Khi mà các nhà xuất bản cùng chung tay để phát triển văn hóa đọc thì đấy chính là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo cơ hội để mọi người có thể học tập suốt đời. Đồng quan điểm, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho rằng: Việc số hóa tài liệu phục vụ bạn đọc liên quan chặt chẽ đến vấn đề thực thi quyền tác giả. “Các thư viện hiện nay đang đứng trước một vấn đề rất khó giải quyết, một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu tối đa của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu, mặt khác không được xâm phạm đến quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi cung cấp tài liệu, bản sao cho người dùng. Nhiều tài liệu thư viện chỉ có bản quyền cho dịch vụ truyền thống mà không có bản quyền dịch vụ số.

Còn dưới góc nhìn của một tác giả sách của thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: Việc hình thành thói quen đọc sách cho các bạn nhỏ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Ba mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học “thiếu vắng” giờ đọc sách… là những nguyên nhân chính khiến các bạn nhỏ Việt ít mặn mà với văn hóa đọc. Thực trạng này rất đáng báo động và cần sớm có hướng giải quyết. Nếu không giúp các bạn nhỏ hình thành thói quen đọc sách từ sớm thì càng lớn lên việc này càng khó khăn. Đưa một cuốn sách vào tay một bạn nhỏ 13, 14, 15 tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không.

theo daidoanket

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nâng tầm văn hóa đọc tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.