Hành tinh GJ1214b, nằm cách Trái Đất 48 năm ánh sáng trong chòm sao Xà Phu, quay quanh ngôi sao mẹ GJ1214. Ban đầu, các nhà khoa học lầm tưởng GJ1214b là một "siêu Trái Đất" khi nó được phát hiện bởi các kính viễn vọng trước đây. Tuy nhiên, dữ liệu mới từ James Webb đã làm sáng tỏ bản chất thực sự của hành tinh này.
Nghiên cứu quốc tế do các nhà thiên văn Everett Schlawin (Đại học Arizona, Mỹ) và Kazumasa Ohno (Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản) dẫn đầu đã phát hiện nồng độ carbon dioxide (CO2) cực cao trong bầu khí quyển của GJ1214b. CO2 chiếm phần lớn khí quyển hành tinh này, tương tự như Sao Kim, nơi khí CO2 đạt tỉ lệ 96,5%, so với chỉ 0,04% trên Trái Đất.
Được gọi là "siêu Sao Kim", GJ1214b không chỉ có thành phần khí quyển giống Sao Kim mà còn vượt trội về kích thước, với khối lượng gấp 6 lần Trái Đất. Đây là một thế giới hoàn toàn mới, không giống bất kỳ hành tinh nào trong hệ Mặt Trời hay những ngoại hành tinh từng được biết đến.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters khẳng định phát hiện này cung cấp những hiểu biết đột phá về cách các hành tinh và hệ hành tinh hình thành. Hành tinh GJ1214b là minh chứng cho sự đa dạng của các thế giới ngoài hệ Mặt Trời, mở ra nhiều câu hỏi mới cho ngành thiên văn học.