Nếu có biểu hiện này, coi chừng cúm gia cầm

Nguyễn Như Quỳnh
Các triệu chứng của cúm gia cầm tiến triển rất nhanh thành thể bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy thận hoặc suy cả đa phủ tạng.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn diễn ra rải rác ở các địa phương và có xu hướng tăng so với năm ngoái. Hiện cả nước còn 14 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại 10 xã của 6 tỉnh: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An chưa qua 21 ngày, chưa kể ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở Quảng Ngãi.

Dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ mắc các bệnh cúm theo mùa, bệnh đường hô hấp do thay đổi thời tiết. Do đó, pama cần phân biệt giữa cảm cúm do thời tiết và cúm gia cầm.

Về cơ bản, các triệu chứng của cúm gia cầm gần giống với cúm thông thường (ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, người mệt mỏi, chảy nước mắt, da khô nóng…). Tuy nhiên, điểm khác của cúm gia cầm là các dấu hiệu suy hô hấp rõ rệt hơn (thở khò khè, thở nhanh, môi tím tái…) và tiến triển rất nhanh thành thể bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy thận hoặc suy cả đa phủ tạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao, theo chia sẻ từ BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).

Hiện nay, Tamiflu là loại thuốc chống virus có hiệu quả cao trong điều trị cúm A. Tuy nhiên, nó chỉ phát huy hiệu quả nếu được dùng sớm trong vài ngày đầu sau khi nhiễm cúm gia cầm. Hơn nữa, việc dùng thuốc này cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. 

Bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng chống cúm gia cầm để tránh bùng phát dịch và lây lan trong cộng đồng.

Để đề phòng cúm gia cầm lây lan sang người và bùng phát trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

- Thường xuyên vệ sinh môi trường như tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm mắc dịch, phun thuốc cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình.

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa mặt, mũi, chân tay ít nhất 2-3 lần/ngày. Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn đường hô hấp trên để nhỏ mũi và súc họng hàng ngày.

- Ăn uống đảm bảo vệ sinh: không ăn tiết canh hoặc thịt các loại gia cầm ốm, bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Khi tiếp xúc với nguồn bệnh, phải trang bị bảo hộ, gồm mặt nạ, áo choàng, găng tay, mũ... sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo ngăn ngừa virus xâm nhập.

- Gia đình trong vùng dịch hoặc có người thân nhiễm cúm gia cầm cũng cần vệ sinh nhà cửa. Đồ dùng bệnh nhân phải được ngâm dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô.

- Đến bệnh viện ngay để khám và điều trị khi có các biểu hiện nghi bị bệnh như: sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, ho..

Đăng Kiên (t/h)

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nếu có biểu hiện này, coi chừng cúm gia cầm tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác