Nghị lực mùa thi: Nam sinh trưa quét dọn, tối làm thuê và mơ ước giảng đường chưa bao giờ tắt

Thu Trà
Khi ước mơ của bạn đủ lớn sẽ chẳng có điều gì là khó khăn!

Trong cuộc sống ai cũng có những ước mơ của  riêng mình. Nhưng để đạt được đến ước mơ đó thì bạn phải trải qua rất nhiều những chông gai và thử thách. Đôi khi bạn còn muốn bỏ cuộc. Vậy điều gì sẽ giúp bạn vượt qua tất cả để hoàn thành giấc mơ của mình? Đó chính là một ước mơ đủ lớn. 

Sáng nhịn đói đi học, trưa ở lại quét dọn vệ sinh ở trường, tối đạp chiếc xe lọc cọc đến quán nhậu làm thêm, những cực khổ không ngăn được ước mơ tiếp tục đến trường  và nỗ lực luôn học giỏi của cậu bạn Nguyễn Minh Thường, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Củ Chi, TP.HCM

Nghị lực mùa thi: Nam sinh trưa quét dọn, tối làm thuê và mơ ước giảng đường - Ảnh 2
Nguyễn Minh Thường, cậu học sinh nghèo ham học (Ảnh: Thúy Hằng)

Thường nhỏ bé hơn bạn bè đồng trang lứa ở tuổi 18. Cậu bạn cao chưa đến 1,6 m và nặng chừng 43 kg, nhưng ở ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, H.Củ Chi, TP.HCM, không ai không biết cậu bạn cả.  “Thằng Thường nó nghèo mà học giỏi lắm. Hai chị em côi cút nuôi nhau mà nó ngoan ngoãn, siêng năng vô cùng”, bà Hai, người hàng xóm của Thường cho hay. 

Cha mẹ Thường ly hôn, cha bỏ đi từ 9 năm trước, mẹ Thường vì thiếu nợ chồng chất nên cũng bỏ nhà đi biệt tích đến nay đã 6 năm, không một hồi âm. Từ đó tới nay Thường và chị gái nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn. 

Không muốn chị phải lo toan hết mọi chi phí sinh hoạt, học phí cho mình. Nhiều lần mình đi xin việc làm thêm ở các nơi nhưng đều bị lắc đầu, do chưa đủ 18 tuổi. May mắn, có một quán nhậu cách nhà chừng 5km cần người chạy bàn, dọn dẹp. Ba năm qua, trừ mùa dịch này, cứ khoảng 5 giờ chiều, cậu học trò nhỏ lại đạp chiếc xe lọc cọc, xuyên qua cánh đồng và nghĩa trang để tới quán rồi làm đến tận 11 giờ đêm. “6 tiếng làm việc, mình được trả 90.000 đồng, lúc nào đói quá thì xem khách có bỏ thừa đồ ăn gì không rồi mình ăn. Có hôm đi về gặp trời mưa, đạp xe ngã lăn ra đường, Thường kể lại.

Nghị lực mùa thi: Nam sinh trưa quét dọn, tối làm thuê và mơ ước giảng đường - Ảnh 1
Dường như không khó khăn nào cản trở Thường học giỏi (Ảnh: Thúy Hằng)

Không chỉ vậy, từ năm lớp 10, cậu bạn đã xin các thầy cô trong Trường THPT Củ Chi cho mình được dọn vệ sinh các phòng học chức năng, phòng thực hành của trường để được miễn giảm học phí. Thầy cô thương nam sinh nghèo hiếu học nên tạo điều kiện giúp đỡ. Tan học, Thường ở lại quét lớp, lau sàn, kê lại bàn ghế cho thật ngay ngắn. Sự lao động chăm chỉ này đã giúp Thường được giảm tới 90% học phí trong suốt 3 năm THPT, số tiền không nhỏ với hai chị em.

Cô Lê Thị Phượng, 50 tuổi, dì ruột của Thường, nhà ở cách đó vài bước chân, thở dài: “Có hôm nó đi học về kêu đói quá dì hai, dì có gì cho con ăn với, thế là làm cho cháu một tô, nhà có gì ăn nấy. Tôi thương các cháu mà mình cũng nghèo quá, chỉ biết động viên. Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đàn không dây”.

Chông gai như thế, nhưng chưa lúc nào Thường nghĩ đến chuyện từ bỏ việc học. Suốt 12 năm học, Thường đều là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Thường đoạt giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh. Không có tiền đi học thêm ở các trung tâm như nhiều bạn bè ở TP, đa số Thường chỉ tự học trên internet nhưng cậu rất siêu ngoại ngữ, thành thục tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thường chọn khối A1 (tổ hợp Toán, Lý, tiếng Anh) để thi ĐH và quyết tâm thi đậu Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm học này, điểm trung bình các môn của Thường là 9,0. Trong đó, môn tiếng Anh là 9,99; môn toán 9,5 và môn vật lý cũng 9,5.

Với sự lạc quan vốn có và nụ cười rạng rỡ trên môi của Thường, tin rằng những ngày tươi sáng đang chờ cậu bạn phía trước. Mong rằng những nỗ lực không ngừng của Thường sẽ được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nghị lực mùa thi: Nam sinh trưa quét dọn, tối làm thuê và mơ ước giảng đường chưa bao giờ tắt tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục STEAM

Từ những khó khăn ban đầu khi triển khai STEAM, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sen (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã trở thành thành người phổ biến mô hình giáo dục này đến nhiều giáo viên.

Khi cô giáo là "Nữ sứ giả du lịch"

Tự tin, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, cô giáo Nguyễn Kim Hoài Nam (trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhất trong cuộc thi “Nữ sứ giả du lịch Ba Đình” năm 2024.