Thuật ngữ selfitis ra đời lần đầu tiên vào năm 2014 để mô tả tình trạng “ám ảnh cưỡng bách” phải tự chụp ảnh mình mà Hội Tâm lý Mỹ đang xem xét phân loại nó như là một rối loạn tâm thần.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Trent và Trường Quản trị Thiagarajar ở Ấn Độ đã quyết định nghiên cứu xem liệu có sự thật nào trong hiện tượng này hay không.
Họ đã xác nhận 'selfitis' thực sự có tồn tại và thậm chí đã phát triển một “Thang điểm Hành vi nghiện chụp ảnh tự sướng” để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó.
Mark Griffiths, Khoa Tâm lý của Đại học Nottingham Trent, cho biết: "Vài năm trước, một vài tin đồn trên truyền thông tuyên bố rằng “nghiện selfie” đã được Hội Tâm lý Mỹ phân loại là một rối loạn tâm thần.
"Mặc dù tin đồn này hóa ra là không đúng, song điều đó không có nghĩa là chứng “nghiên selfie” không tồn tại. Giờ đây chúng tôi đã xác nhận sự tồn tại của nó và phát triển Thang điểm đánh giá Hành vi nghiện chụp ảnh tự sướng đầu tiên trên thế giới để đánh giá tình trạng này".
Thang điểm từ 1 đến 100 được phát triển dựa trên một nhóm gồm khoảng 200 đối tượng xác định những yếu tố chi phối “nghiện selfie”. Nó đã được thử nghiệm trong một khảo sát trên 400 người.
Những người tham gia sống tại Ấn Độ vì nước này có nhiều người sử dụng Facebook nhất, cũng như có tử vong cao nhất do cố gắng selfie tại những nơi nguy hiểm.
Kết quả nghiên cứu, được đăng trên International Journal of Mental Health and Addiction đã xác nhận rằng có ba mức độ nghiện selfie.
Các trường hợp “ranh giới” là những người selfie ít nhất 3 lần một ngày, nhưng không đăng lên mạng xã hội. Tiếp theo là giai đoạn “cấp tính” khi các ảnh chụp thường được đăng lên. Trong giai đoạn 3 – giai đoạn “mãn tính” - người bệnh cảm thấy sự thôi thúc không thể cưỡng lại để chụp ảnh mình suốt ngày và đăng chúng lên mạng hơn 6 lần mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người “nghiện selfie” điển hình là những người luôn tìm kiếm sự chú ý, thường thiếu tự tin, hy vọng tăng vị thế xã hội và cảm thấy mình là một phần của nhóm bằng cách liên tục đăng những hình ảnh của chính mình.
Nhóm đã phát triển 20 nhận xét có thể sử dụng để xác định mức độ nặng của “nghiện selfie” thông qua mức độ đồng ý của một người với nhận xét đó. Ví dụ "Tôi cảm thấy nổi tiếng hơn khi đăng ảnh selfie của mình lên mạng” hoặc "Khi không selfie, tôi cảm thấy bị tách ra khỏi nhóm bạn cùng trang lứa với mình".
Janarthanan Balakrishnan, một nhà nghiên cứu từ Khoa Tâm lý Đại học Nottingham Trent chia sẻ: "Thông thường, những người bị tình trạng thường thiếu tự tin và đang tìm cách để “phù hợp” với những người xung quanh họ, và có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự như các hành vi nghiện ngập khác.
"Hiện nay sự tồn tại của tình trạng bệnh lý này dường như đã được xác nhận, hy vọng những nghiên cứu sâu hơn sẽ được tiến hành để hiểu thêm về cách thức và lý do tại sao mọi người phát triển hành vi ám ảnh này, và có thể làm gì để giúp những người bị nặng nhất".
Tiến sĩ tâm thần David Veale, chuyên gia tư vấn về liệu pháp nhận thức hành vi ở Trung tâm sức khỏe quốc gia Maudsley và Bệnh viện Priory ở London (Anh), nói với tờ Sunday Mirror: “2/3 số bệnh nhân của tôi mắc hội chứng BDD kể từ khi dùng điện thoại di động để chụp ảnh tự sướng đưa lên các trang web mạng xã hội". Ông khẳng định chụp ảnh tự sướng không chỉ đơn thuần là chứng nghiện mà là triệu chứng của hội chứng BDD.
Những người ghiền tự sướng thường bỏ ra hàng giờ để chụp được những bức ảnh sao cho hoàn hảo nhất, không có bất cứ sai sót nào. Họ có ý thức rất cao về hình ảnh, vẻ ngoài của mình, trái ngược với những người bình thường cho rằng điều này không quan trọng lắm.
Đỉnh điểm của trường hợp này là Danny Brown - một thanh niên người Anh - đã tự tử khi không thể tìm ra cho mình bức ảnh hoàn hảo nhất. Từ năm 15 tuổi, cậu ta bắt đầu chụp ảnh tự sướng. Ban đầu, Danny chỉ chụp khoảng 10, 20, 30 tấm mỗi ngày nhưng sau đó lên đến 200 tấm và săm soi từng chi tiết trên gương mặt mình. Danny bỏ học năm 16 tuổi để ở nhà chú tâm vào chuyện... chụp hình tự sướng. Cậu giành gần 10 giờ mỗi ngày để làm việc này và sụt gần 13kg trong tuyệt vọng khi chưa tìm được tấm hình ưng ý.
Những rối loạn sức khỏe tâm thần khác liên quan đến công nghệ đã được xác định trong những năm gần đây bao gồm “nomophobia” - sợ không ở gần điện thoại di động, “technoference” - sự xâm nhập liên tục của công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, và “cyberchondria” - cảm thấy bị bệnh sau khi tìm triệu chứng của một bệnh nào đó trên mạng.
Minh Phương (tổng hợp)