Cơ quan đi sơ tán, nhưng Tổng Biên tập Lê Trân và các thành viên Ban Biên tập vẫn phải có mặt đầy đủ ở Hà Nội 24/7. Ngày ấy chưa có máy tính, thư điện tử, điện thoại (kể cả điện thoại để bàn). Các phóng viên ở nơi sơ tán kiên trì viết bài bằng bút mực nhưng gửi về Tòa soạn tại Hà Nội thì bằng cách nào?
Bởi vậy, Tòa soạn đã bố trí một nhân sự hằng tuần chuyên từ Hà Nội về nơi sơ tán để chuyển báo vừa in cho anh em và độc giả Tam Hiệp đọc, đồng thời nhận tin bài các phóng viên vừa viết xong đem về Hà Nội. Người nhận trách nhiệm đó đòi hỏi phải nhanh nhẹn, có sức khỏe và lòng dũng cảm trước nguy hiểm thường trực của đạn bom.
Suy đi tính lại, nhà báo Hoàng Như - Ủy viên Ban Biên tập báo TNTP, được cử tới một đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) xin một nhân sự về để làm công việc đó với yêu cầu người này phải hội tụ những phẩm chất nêu trên. Cuối cùng thì đơn vị TNXP đã “nhượng” miễn phí cho Tòa soạn một nhân sự còn vượt quá (thừa) yêu cầu tiêu chuẩn đã nêu!
Đó là một chàng trai Hà Nội mắt lúc nào cũng rực sáng và nụ cười thường trực trên môi. Hằng tuần, anh đạp xe vượt khoảng 60 cây số (khứ hồi) với tinh thần “tử về nghiệp”, bất chấp máy bay, bom đạn Mỹ để “ship” và bảo vệ bài vở cho tờ báo.
Chàng trai thông minh chọn thời gian đi từ 5 rưỡi sáng và trở về Hà Nội lúc sẩm tối. Túm lại là anh toàn đi lúc trời nhá nhem, không có đèn đường, mắt nhắm, mắt mở. Anh cho rằng đi thời gian đó là an toàn nhất, máy bay Mỹ ít “sờ tới” nhất. Nhưng lắm hôm phi công Hoa Kỳ dậy sớm lắm, 5-6 giờ sáng đã quần thảo phá phách rồi! Thấy có báo động thì anh tìm nơi ẩn nấp, mong sao bảo vệ được an toàn tính mạng và tài sản là bài vở của báo. Rét cắt da cắt thịt hay hè nóng như lửa đốt anh cũng vẫn thực hiện những cuốc đi như thế đầy đủ.
Dậy sớm thường ngái ngủ, có lần do buồn ngủ anh đã lao cả xe và người xuống ruộng, kết cục là xe bị cong vênh. Nhưng chàng trai vẫn khắc phục để đi tiếp tới nơi sơ tán. Nhiều lần xe bị thủng săm, hết hơi (ngày ấy không có dịch vụ vá xe sẵn như bây giờ), vậy là anh vác xe lên vai về tận nơi có chỗ sửa, vá. Quãng đường 30 cây số từ Hà Nội về Tam Hiệp qua biết bao nhiêu hố bom, ổ gà, ổ trâu, chẳng có lấy một mét đường nhựa mà anh đi chỉ mất chừng 2 tiếng nếu mọi việc êm xuôi. Đúng là sức trẻ có khác!
Sau hơn 2 năm (từ cuối 1970 tới đầu 1973), khi Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris trả lại hòa bình cho Việt Nam, cũng là lúc các phóng viên báo TNTP từ nơi sơ tán trở về Thủ đô, thì công việc của anh kết thúc. Chàng trai Hà Nội mắt sáng, hay cười ấy đã có khoảng 100 chuyến đạp xe an toàn, trót lọt, không để báo bị chậm trễ đi in và phát hành lần nào. Đó là một chiến công xuất sắc, thầm lặng của anh, đồng thời là minh chứng của lòng dũng cảm và tinh thần phục vụ tận tâm vì bạn đọc mà không phải ai cũng biết…
Bây giờ đã có e-mail chuyển bài ảnh khá dễ (nhưng lắm khi vẫn trục trặc vì đường truyền mạng Internet và phần mềm). Còn chàng trai Hà Nội đó chuyển bài vở bằng xe đạp thôi, nhưng không một lần trục trặc nhé. Không một lần anh bị chê trách vì tinh thần trách nhiệm. Thế là công nghệ thua anh rồi! Bức ảnh chân dung đăng trong bài viết này chính là chàng trai Hà Nội đó tên Trần Văn Cung, chụp năm 1970. Bạn đọc có thể nhận ra “anh” có nụ cười rất tươi và đôi mắt sáng. Còn lý do tại sao Trần Văn Cung lại cầm trên tay chiếc máy ảnh “cổ lỗ sĩ” kia, thì lại là một câu chuyện thú vị khác sẽ được kể ở kỳ sau.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong Thứ Tư, số 49 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |