Thầy giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, sinh năm 1292. Quê của ông là làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Theo tư liệu sử sách ghi lại, thầy Chu Văn An nổi tiếng là người chính trực, thẳng thắn, không cầu lợi lộc, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng gọi là trường Huỳnh Cung. Ai muốn đến học ông cũng nhận, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác. Vì thế, học trò theo học ông rất đông, trong số đó có nhiều người giỏi, sau này làm quan lớn của triều Trần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát...
Danh tiếng của thầy Chu Văn An và trường Huỳnh Cung dần lan khắp nước. Vua Trần Minh Tông mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông). Sau khi vua Trần Hiến Tông mất, vua Trần Dụ Tông lên ngôi, không quan tâm triều chính, để quyền thần làm nhiều điều vô đạo, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên gian thần nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở ẩn tại Chí Linh, Hải Dương. Tại đây, ngoài việc dạy học và viết sách, ông còn nghiên cứu y học, trồng cây thuốc, giúp dân chữa bệnh.
Năm 1370, thầy giáo Chu Văn An qua đời. Ghi nhớ công lao và tài đức của nhà giáo mẫu mực, triều đình đưa ông vào phối thờ ở Văn Miếu.
Năm 2020, nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An, UNESCO đã chính thức vinh danh ông - người thầy giáo vô cùng đáng kính với tư tưởng tự học, tự lập và học tập suốt đời - là “Danh nhân văn hóa thế giới”.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |