Trần Quang Đạo sinh ra và lớn lên ở làng Phú Hòa, xã Phú Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình). Đó là vùng “địa linh nhân kiệt”. Mảnh đất này chắc chắn các nhà khảo cổ, phong thủy, văn hóa, lịch sử... hẳn phải còn nghiên cứu để “giải mã” mới thấu triệt. Nhưng với những giá trị đã được xác lập, Lệ Thủy đúng là vùng đất của văn hóa. Không phải tự nhiên, Lệ Thủy sản sinh cho đất nước những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử; nơi có rất nhiều văn nhân nổi danh, thành danh, đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam, trong đó có thi ca, Trần Quang Đạo là một trong số những văn nhân đó.
Trần Quang Đạo trước hết là nhà báo; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành thơ, nhưng Trần Quang Đạo là một người đa tài. Anh “có mặt” ở các thể loại văn xuôi, thơ, kịch bản phim, sáng tác âm nhạc và hội hoạ.
Về văn xuôi, ông đã có các tiểu thuyết “Mối tình chưa hôn lễ”, NXB Thanh Niên, 1990; “Đêm ảo ảnh”, NXB Công an nhân dân, 1993; tập truyện dài “Những đứa con của trời”, NXB Kim Đồng, 1997 (đã tái bản 5 lần). Về thơ, ông đã có 11 tác phẩm; trong đó “Nhẫn trăng” và “Mật thi”, NXB Hội Nhà văn quý 2/2024-song ngữ Việt-Anh là hai tập thơ cuối cùng được xuất bản trong những ngày cuối chống chọi với đớn đau.
Năm 1975, khi mới 18 tuổi, Trần Quang Đạo đã nhập ngũ, gia nhập đoàn quân cho trận chiến đấu tổng lực cuối cùng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm cuối 70 của thế kỷ trước, người lính Trần Quang Đạo có mặt trên chiến hào bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1980, sau khi tiếng súng tạm thời yên ắng, ông mới vào đại học.
Vì hoàn cảnh đó, Trần Quang Đạo đến với thơ không phải từ sớm, nhưng từ khi xuất hiện trên thi đàn, Trần Quang Đạo đã nổi lên như một gương mặt có phong cách riêng. Chính vì thế, từ năm 1984, ông đã được giải về thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; được nhận giải thưởng về thơ ở đây đến ba lần.
Có thể nói, Trần Quang Đạo được “định danh” từ sớm. Tháng 9/2019, Trần Quang Đạo xuất bản tập thơ “Bay trong mơ”, NXB Hội Nhà văn; tập thơ này mang đến cho cú “Hat trick” văn chương: Giải thơ thường niên Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng ASEAN (cùng năm 2019) và giải thưởng Danube (Hungary) năm 2021.
Thơ Trần Quang Đạo thuộc trường phái hiện đại, cả về tư duy thơ, tứ thơ, thi ảnh và ngôn ngữ. Tập thơ “Mật thi” từ 1 đến 101 là một ví dụ. Chính ông trải lòng: “Những bài thơ đánh theo số thứ tự, không có đầu đề. Những bài thơ nối nhau ra đời theo thời gian như là một trường ca tâm trạng mà cuộc sống muôn màu với những uẩn khúc, bí mật, lộ diện... khúc xạ và tâm hồn tôi, luân chuyển, kết tinh mà sinh ra”; “Tôi làm thơ không vần. Câu thơ dài, ngắn, ngắt đoạn, chuyển ý tùy thuộc vào tâm trạng và sự vang âm hoặc lặng âm của con chữ mang đến”, (Trần Quang Đạo: Lời ngỏ).
Trần Quang Đạo có cách ví von khi viết tập thơ này khá đặc biệt: “Khi làm đến bài thơ đánh số thứ tự 100, tôi nghĩ những đứa con tinh thần của tôi cũng giống như những đứa con của mẹ Âu Cơ, không đặt tên cho đứa con nào cả, để 50 người lên rừng, 50 người xuống biển”.
Nhà thơ hơn ai hết sở hữu cô đơn. Theo quán chiếu ấy, Trần Quang Đạo là nhà thơ giàu có bởi sự cô đơn. Nếu như trong “Bay trong mơ”, ông có những giấc mơ thì trong “Mật thi” mà “Nhẫn trăng” cho thấy tâm hồn ông ánh lên vẻ đẹp của sự cô đơn.
TS. văn học Hoàng Thu Thủy chia sẻ: “Đọc cả tập “Mật thi” lòng tôi cũng nhuốm buồn cùng tác giả. Tôi cảm giác anh như kẻ lữ hành, cô độc trong hành trình với thơ, với đời... Vượt lên nỗi đau, vượt lên nỗi cô đơn, lối lập tứ của anh quá hay khi nói đến bi kịch giữa thời gian hữu hạn của đời người với thời gian vũ trụ vô thủy vô chung” (TS. Hoàng Thu Thủy: Trần Quang Đạo, lòng ngân ca dao mẹ).
Trần Quang Đạo là nhà thơ của những giấc mơ. Từ “Những giấc mơ cắt dán”, 2008; đến “Bay trong mơ”, 2019-hai tập thơ cách nhau 11 năm, cho thấy giấc mơ luôn ám ảnh, tạo nên biên độ cảm xúc của thi sĩ trong ông. Nói như nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh, đó là “Con đường giấc mơ, khai mở hiện thực”. Hiện thực ám ảnh trong cả những giấc mơ của Trần Quang Đạo; đến lượt nó, giấc mơ “sàng lọc” hiện thực, chiết xuất nên vẻ đẹp mà ông thờ phụng. Đó là một hành trình mang tên ông.
Trần Quang Đạo có lần nói: “Tôi đánh luống đời mình”. Thơ ông có nhiều nét mới về cấu trúc tư duy và sử dụng ngôn ngữ-rất có ý nghĩa về phương diện đổi mới thơ. Tư duy thơ hiện đại cần phát triển cân đối hai mặt trí tuệ lẫn cảm xúc.
Là người đổi mới về thi pháp, thi tứ, nhưng Trần Quang Đạo là một nhà thơ có giọng thơ trữ tình, giàu ẩn dụ, dễ tiếp nhận: “Có một nhẫn trăng ở mỗi cuộc đời/Em giận dỗi đau một màu trăng khuyết/Anh nóng giận mây đen trùm ánh biếc/Nhưng bao giờ cũng vành vạnh rằm lên” (Nhẫn trăng).
Trần Quang Đạo là người nặng tình, sống trách nhiệm, không chỉ với gia đình, mà cả bạn bè, đồng đội. Tác phẩm của ông khắc họa rõ chân dung tâm hồn của một nhà văn có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Với Quảng Bình, bạn đọc dễ nhận ra ngay trên nhiều tác phẩm, như: “ Vòng tay cỏ”, “Nhớ về miền cát trắng”, “Ngọn cỏ thời yêu nhau”, “Khúc biến tấu xương rồng”...
Yêu và hãnh diện về quê hương, dù nghèo. “Đất quê dù có chua phèn/Thì hoa vẫn nở đua chen dưới trời/Bung cánh gió, khoe rạng ngời/Nhị vàng ủ mật cho đời đẹp hơn” (Ru sen). Không ai chọn được cho mình người mẹ, cũng như quê hương. Trong tâm hồn Trần Quang Đạo, những cánh đồng lúa rộm vàng của thôn Phú Hòa, dòng nước xanh trong của hai con sông Văn Thạch, Phú Hòa. “Xa sông/tôi thương từng con cá mình đã câu thuở nhỏ/thương đàn cá con mất mẹ đỏ lấm tấm mặt sông/Tôi hóc xương và khóc/nước mắt đỏ trong mơ nhỏ xuống dòng trôi” (Thả cá xuống sông).
Trong các tập thơ đã xuất bản, tên tỉnh Quảng Bình, với tư cách là danh từ chỉ được nhắc đến trong không nhiều bài; nhưng tinh thần, cốt cách, tâm hồn Quảng Bình hiện lên khá rõ ở nhiều sáng tác của ông. Và, luôn tự hào “anh như trời đất mang từ Quảng Bình ra phố cỏ” (Ước I).
...
Nghe trong veo tiếng chim thúc trời sáng
Tiếng chim chuyền trong nắng ban trưa
Một thiên nhiên ngập tràn quê kiểng
Tiếng quê hương thanh lọc tâm hồn
(Thanh lọc)
Trong các tập thơ đã xuất bản trước đây, cũng như “Nhẫn trăng”, năm 2024, có nhiều bài thơ về chủ đề gia đình, từ ông, bà đến bố mẹ, các con. Với bà nội, Trần Quang Đạo “vẫn mãi là các đuôi của bà thuở nhở” (Bà ơi); với ông nội: “Ông ơi/cháu chảy từ ông/cháu con chảy đến mai sau/như nước quê ta ở miền Trung/đâu cũng soi rõ hình khuôn mặt” (Hình dung).
Trần Quang Đạo là người có hiếu với bố mẹ. Ông lúc nào cũng nhớ mẹ, ngay cả trong giấc mơ. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Bay trong mơ” đặc biệt ám ảnh: “Tôi tập bay trong mơ/phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/khích lệ tôi vẫy gọi tôi/tôi mọc thêm màu sắc/trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời”.
Và: “Dù tôi không còn mẹ/nhưng mẹ ở trong tôi tháng tháng ngày ngày/tôi không cô đơn/bởi chạm vào đâu cũng thấy hình dáng mẹ/và trước mắt mình mẹ hiện hữu thiêng liêng” (Bay trong mơ).
Trần Quang Đạo luôn cảm thấy mình có lỗi: “Ta đã sống nhiều ngày thêm tội lỗi/lỗi bạn bè. Lỗi cha mẹ. Lỗi em/dù chỉ nhỏ như một lần lỗi hẹn/đã làm ta thức suốt mấy đêm liền” (Thanh lọc).
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ-dù không bất ngờ, bởi trước đó hai tuần ông gấp lại “bề bộn” để vào Bệnh viện Thanh Nhàn thăm nhà thơ Trần Quang Đạo nhưng rất buồn. Giữa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Trần Quang Đạo đã cùng nhau những năm tháng đẹp đẽ.
“Chúng tôi thân nhau khi còn rất trẻ. Đó là những năm tháng đói nghèo nhưng thật trong sáng và đẹp đẽ. Thơ ca đã trở thành nguồn năng lượng sống quan trọng nhất của chúng tôi. Và thơ ca đã theo Trần Quang Đạo đi đến phút cuối cùng của cuộc đời với mọi biến cố, mọi vui buồn, mọi giấc mơ của con người ông và của kiếp người”.
Nhà thơ Trần Quang Đạo đã rời “cõi tạm” bay về phía mênh mông, nơi có “trời xanh nâng cánh” như một câu thơ, ông đã viết.
Tang lễ Nhà thơ, Nhà báo Trần Quang Đạo được tổ chức từ 13h30 ngày 12 tháng 11 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 14h45 phút ngày 12 tháng 11 năm 2024. An táng tại nghĩa trang quê nhà xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tập thể cán bộ, phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng thành kính chia buồn cùng tang quyến và trân trọng thông báo để anh em, bạn bè gần xa biết thông tin. |