Thời gian qua, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhận được nhiều câu hỏi, phản hồi từ các bậc phụ huynh, thầy cô về việc có các fanpage "Trạng nguyên nhí", "Trạng nguyên nhỏ tuổi", "Học kỳ Quân đội", "Học kỳ Công an" có phải trang mạng xã hội chính thức của báo Đội hay không. Nguyên nhân là các trang này thường xuyên chạy quảng cáo nhằm thu hút phụ huynh, giáo viên đăng ký cho học sinh tham gia.
Ngay sau khi phát hiện ra vấn đề này, báo TNTP&NĐ đã gửi cảnh báo đến các nhà trường và phụ huynh, tuy nhiên đã có những nạn nhân bị lừa đảo hàng chục triệu đồng. Không chỉ các chương trình xã hội của báo TNTP&NĐ bị các đối tượng giả danh lừa đảo, thời gian qua, nhiều chương trình khác đã bị "nhận vơ" như các cuộc thi âm nhạc, mẫu nhí dành cho thiếu nhi bị giả danh.
Chiêu trò của các đối tượng này là sao chép toàn bộ nội dung, hình ảnh của các cuộc thi hòng lấy sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh. Sau khi có được liên hệ của người đăng ký, chúng sẽ thêm người dùng vào các nhóm làm nhiệm vụ hoặc trò chuyện trên app nhắn tin nhằm che dấu hành tung. Tiếp đến, yêu cầu phụ huynh muốn đang ký cho con thực hiện các thử thách, nhiệm vụ với các số tiền tăng dần để hỗ trợ cuộc thi. Nếu không tỉnh táo, người dùng rất có thể mất những số tiền lớn cho những kẻ lừa đảo.
Làm sao để tránh không bị lừa đảo khi tham gia mạng xã hội và đăng ký online?
- Đầu tiên người dùng cần thật sự cảnh giác trước khi mua sắm, đăng ký dịch vụ online và tất cả các thông tin từ nguồn không chính thống.
- Trước khi tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ cần sử dụng, đang được quảng cáo bởi một trang facebook (fanpage) nào đó, người dùng cần tìm hiểu về fanpage đó trước, đánh giá khả năng là fanpage lừa đảo.
+ Đánh giá một số thông tin của fanpage, như: thời gian tạo lập; thời gian đổi tên fanpage; các quảng cáo fanpage đang chạy. Qua đây có thể đánh giá được: fanpage có thời gian hoạt động bao lâu trong lĩnh vực kinh doanh online; trước đó kinh doanh lĩnh vực gì; các quảng cáo có lượt thích, bình luận, chia sẻ như thế nào. Nếu fanpage mới tạo lập hoặc mới đổi tên nhưng có nhiều lượt “thích”, “theo dõi”, các quảng cáo đều có lượt thích, bình luận, chia sẻ tương tự nhau, thì rất có thể fanpage sử dụng dịch vụ tăng lượt “thích”, “theo dõi”, vì vậy, các bình luận, đánh giá về sản phẩm không đáng tin cậy.
+ Nếu fanpage có số điện thoại, website thì kiểm tra: thông tin số điện thoại đó bằng các ứng dụng chặn cuộc gọi rác, lừa đảo như: Truecaller; Key Messages; Block Calls & Block SMS; Hiya Caller ID and Block…; website thì chúng ta nhập tên vào địa chỉ website “whois.inet.vn” để kiểm tra xem có khớp với thông tin đã đưa hay không.
- Tiếp tục nhắn tin trực tiếp cho người quản trị fanpage yêu cầu cho xem các giấy tờ hợp pháp, hợp đồng mua bán, giấy phép kinh doanh, giấy phép lưu hành… Tiến hành dùng các website khác nhau kiểm tra chéo để xem các thông tin trùng khớp với nhau không về các thông tin như: mã số doanh nghiệp; CCCD của Giám đốc doanh nghiệp; nơi cấp phép hoạt động; tên sản phẩm được phép lưu hành; nơi cấp phép lưu hành…
- Nếu các thông tin trên đều trùng khớp, hợp lý chúng ta tiếp tục hỏi các chính sách như đổi trả, bảo hành, xuất hoá đơn giá trị gia tăng… Yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán đối với các sản phẩm, dịch vụ thanh toán sau; còn các loại hình thanh toán trước hay phải đặt cọc thì chúng ta yêu cầu số tài khoản đúng tên công ty hoặc tên giám đốc, không tuỳ tiện chuyển khoản cho tài khoản cá nhân khác.
Cần phải làm gì khi bị lừa đảo trên facebook?
Nếu như vô tình trở thành nạn nhân của các trang Facebook lừa đào thì người dân cần phải tố cáo ngay hành vi này tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết và bảo vệ quyền lợi. Tức là người dân cần phải tiến hành hoạt động trình báo sự việc lên cơ quan công an nơi thường trú hoặc tạm trú để giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp lên làm việc với cơ quan chức năng thì người dân cần phải chuẩn bị một số giấy tờ cơ bản sau:
– Đơn trình báo công an theo mẫu do pháp luật quy;
– Giấy tờ tùy thân của bị hại ví dụ như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân …;
– Bằng chứng và chứng cứ kèm theo để chứng minh cho vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng Facebook ví dụ như đoạn tin nhắn, biên lai chuyển khoản ngân hàng, hình ảnh và ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội.
– Sau khi tiếp nhận thì cơ quan chức năng sẽ xử lý thích đáng đối tượng phạm tội và tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
Hiện nay, các cuộc thi, trại hè của báo TNTP&NĐ được thực hiện trang fanpage chính thức có tick xanh và một số trang mạng xã hội vệ tinh trên facebook. Tuy nhiên, việc mua báo hoặc đóng học phí cho các bạn học sinh đều được chuyển về tài khoản ngân hàng duy nhất của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng hoặc thanh toán qua các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian uy tín, đảm bảo tính xác thực như VNPAY. Mọi hình thức yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân hoặc thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền đều có khả năng cao là lừa đảo. Vì vậy, phụ huynh, thầy cô hết sức lưu ý khi truy cập các fanpage lạ, chưa được chứng thực.
Lưu ý: Hiện nay có rất nhiều các trang giả mạo chương trình được lập lên để lừa đảo quý phụ huynh và gia đình, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị tổ chức. BTC chương trình lưu ý quý phụ huynh, đây là chương trình chính thức duy nhất do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp thực hiện tại 1 địa điểm duy nhất trên toàn quốc là Học viện Cảnh sát Nhân dân, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. BTC lưu ý quý phụ huynh và gia đình cảnh giác với các lời chào mời cá nhân và các fanpages khác, đặc biệt chương trình Trại hè Học làm chiến sĩ Công an - "Thép đã tôi thế đấy" chỉ nhận chuyển khoản học phí tham dự chương trình tại 1 tài khoản duy nhất là: 1284855555 tại ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chủ tài khoản: BAO THIEU NIEN TP VÀ NHI DONG. Hoặc đăng ký trực tiếp tại địa chỉ: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng - Số 12, Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội (*) Tất cả các trường hợp chuyển tiền ngoài STK trên, BTC không chịu trách nhiệm. |