Mô hình thực phẩm được gọi là “Sampuru”, xuất hiện tại Nhật Bản vào năm 1917. Ban đầu chúng được dùng để trang trí nhà cửa, đến vài năm sau thì một nhà hàng ở Tokyo đã quyết định dùng nó để “câu khách”.
Phần lớn thực khách phàn nàn rằng, chỉ nhìn thực đơn thì không thể hình dung được món ăn trông như thế nào. Những du khách quốc tế không biết tiếng Nhật cũng gặp khó khăn rất lớn khi gọi món. Vì thế, các mô hình thực phẩm sẽ thay thế cho thực đơn truyền thống giúp thực khách biết được kích thước, màu sắc, hình thù của món ăn và lựa chọn nhanh hơn.
Mô hình thực phẩm giúp thực khách sẽ dàng nhận biết món ăn mình sắp gọi.
Để bản sao trông giống thật nhất, các món ăn từ nhựa này được các nghệ nhân chế tác thủ công từ mẫu thực phẩm thật nên giá thành của một “món” rất đắt. Thậm chí, một nhà hàng ở Nhật đã chi tới 1 triệu yên (8500 USD) để làm ra chúng.
Có khoảng 10 công ty sản xuất mô hình thực phẩm hoạt động tại Nhật Bản. Một trong những người tiên phong trong ngành “bản sao thực phẩm” chính là doanh nhân Ryuzo Iwasaki. Sau thành công ở Osaka vào năm 1932, ông bắt đầu về quê nhà ở tỉnh Gifu và gây dựng một đế chế thực phẩm nhân tạo lớn nhất Nhật Bản, chiếm tới 80% thị trường hiện nay.
Nhiều du khách bất ngờ khi thấy chúng "thật" quá mức tưởng tượng.
Nhìn chung, quy trình sản xuất ra một “món ăn” gồm các bước cơ bản như: vẽ tay mô hình dựa trên sản phẩm thật, tạo khuôn, đổ khuôn bằng nhựa lỏng Vinyl clorua, làm cứng, sơn phủ màu sắc lên mô hình. Mỗi sản phẩm tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật nên các nhà công ty rất quyết liệt trong việc bảo vệ bí quyết sản xuất.
Nếu bạn muốn mua những mô hình giống y như thật làm quà lưu niệm, hãy ghé thăm con phố Kappabashi-dori ở Tokyo. Nơi này được đặt tên là “Thị trấn nhà bếp” bởi trên chúng bày bán các món ăn cũng như dụng cụ nấu nướng, khay tre, bếp lò, bàn ghế,... và tất cả đều là bản sao bằng nhựa.
Một số hình ảnh khác về mô hình thực phẩm.