Thái Nguyên, mực nước trên Sông Cầu ở mức gần 29 m, nhiều trường học bị gió bão làm tốc mái, hệ thống điện, nước bị hư hỏng nặng, mưa lớn ngập, giao thông đi lại khó khăn.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ tiếp tục cho học sinh nghỉ ngày 10/9; TP. Thái Nguyên cho học sinh nghỉ đến 11/9.
Phú Thọ: một số trường nguy cơ mất an toàn do vậy không tổ chức đón học sinh đến trường học trong hôm nay.
Lào Cai: Sáng 10/9, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết trừ một số trường ở thành phố, gần 580 trường còn lại trong tỉnh đều đóng cửa để phòng, tránh bão lũ.
Theo thống kê ban đầu, nhiều trường bị sạt lở taluy, tường rào, tốc mái, ngập úng... Nhiều trường bị chia cắt, mất thông tin liên lạc.
Yên Bái, tất cả trường (hơn 440) cho học sinh nghỉ hôm nay. Sở GD&ĐT cho biết đến ngày 9/9, có 7 trường ở TP Yên Bái và huyện Lục Yên bị ngập lụt. Một số trường bị thủng mái tôn, nứt trần, sạt taluy.
Sở GD&ĐT Yên Bái, yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể để đánh giá tình hình thiệt hại, đưa ra phương án khắc phục sớm để đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Sở GD&ĐT Yên Bái yêu cầu các đơn vị giáo dục nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hoặc chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, thủ trưởng đơn vị chủ động cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học các ngày 9-10/9 để phòng tránh.
Lạng Sơn: Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lạng Sơn đến 11 giờ ngày 9/9, có 393 trường trong tổng số 653 trường học trên toàn tỉnh phải cho học sinh nghỉ học; 4 trường học triển khai học trực tuyến. Có 3 huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Trạng Đình tất cả các trường học phải cho học sinh nghỉ học.
Những đơn vị trường học, điểm trường còn bị ngập úng, chưa sửa chữa khắc phục thiệt hại xong, dễ gây mất an toàn trường học; những trường học, điểm trường học sinh phải qua sông, suối nước to chảy xiết nguy hiểm, đèo dốc sạt lở - thì tiếp tục thông báo cho học sinh nghỉ học.
Hải Phòng: Sở GD&ĐT Hải Phòng cho học sinh toàn thành phố nghỉ học ngày 10/9 để các nhà trường tiếp tục khắc phục hậu quả sau bão.
Trong thời gian học sinh nghỉ học, các đơn vị giáo dục tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường.
Các đơn vị huy động lực lượng tại chỗ, tham mưu đề xuất lực lượng phối hợp tiếp tục khẩn trương dọn dẹp cảnh quan trường lớp, khắc phục hậu quả sau bão, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Đồng thời, nhà trường khẩn trương kiểm kê, thống kê thiệt hại do bão gây ra, báo cáo về Sở GD&ĐT.
Các trường đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất sau bão, ưu tiên sửa chữa trước phòng học; chủ động khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất theo thẩm quyền (đảm bảo quy trình, thủ tục đúng quy định) để tiếp tục dạy và học.
Các trường khối công lập không tự ý sửa chữa đối với các hạng mục có mức kinh phí vượt thẩm quyền. Trong quá trình triển khai thực hiện, các nội dung phát sinh (nếu có), đề nghị phản ánh về Sở GD&ĐT.
Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng có khoảng 600 trường ở cho toàn bộ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ hôm nay.
Tại TP. Hà Nội, theo thông tin mới nhất từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến trưa 10/9, trên địa bàn thành phố có 117 trường cho học sinh nghỉ học, trong đó nhiều trường triển khai hình thức học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học.
Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, trong 117 trường cho học sinh dừng đến lớp sáng nay có 3 trường THPT thuộc sở, 1 trường THPT trực thuộc đại học, 113 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Các trường cho học sinh nghỉ học đều thuộc địa bàn vùng trũng, ngập; có số ít trường ở nội thành, còn lại đa số trường thuộc ngoại thành.
2 quận nội thành có trường phải cho học sinh nghỉ do ngập là quận Hoàng Mai 1 trường, quận Hà Đông 3 trường (gồm: Trường THCS Văn Yên, Mầm non Ánh Dương, Tiểu học Phú Lương). Riêng Trường Tiểu học Văn Yên vẫn có một số ít học sinh đến trường và được thầy cô quản lý, chăm sóc chu đáo.
Các huyện có nhiều trường phải nghỉ học gồm: Thanh Trì (43), Thường Tín (24), Chương Mỹ (23). Một số đơn vị khác có số trường nghỉ học ít như: Ba Vì (5), Mỹ Đức (4) Thanh Oai (3), Sơn Tây (1), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1 điểm), Hoài Đức (2), Đan Phượng (1).
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị. Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các nhà trường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hàng ngày rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý với các đơn vị, nhà trường bị ảnh hưởng nặng của bão; các trường ở xã đảo, địa bàn vùng trũng... cần có kế hoạch, chủ động triển khai hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.