Nhân dịp kỷ niệm 12 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2016), với mục đích giới thiệu, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và làm đa dạng, phong phú hơn các hoạt động văn hóa tại tuyến phố đi bộ mở rộng, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, nghệ nhân, nghệ sỹ tổ chức các hoạt động văn hóa và tọa đàm hấp dẫn để thu hút du khách.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đã phát biểu tại buổi họp báo chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam diễn ra vào ngày 16/11.
Về nội dung, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của trung ương và thành phố về tu bổ, tôn tạo di tích, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo" gắn với chủ trương, thực tiễn phát triển du lịch địa phương.
Về hình thức, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng thông tin… trên các báo, đài, bản tin, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn… Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền trực quan, pano, áp phích, khẩu hiệu… tại khu vực di tích, không gian di sản văn hóa.
Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, ngành giáo dục có các hoạt động thiết thực trong đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên Thủ đô (gắn với việc bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa).
Phố Đào Duy Từ, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phong phú được trang trí rất đẹp mắt.
Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội, điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là chương trình trình diễn với chủ đề "Nét xưa" sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 18/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Nội dung của chương trình gồm: Trình diễn thời trang áo dài dân tộc với Trang phục áo dài phục dựng theo lối cung đình của Nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi; thư pháp trên áo yếm của nhà thiết kế (NTK) Lan Anh và Thư hoạ gia Kiều Quốc Khánh phối hợp; thời trang áo dài NTK La Hằng, NTK Minh Minh, NTK Duyên Hương và NTK Peony; Biểu diễn các trích đoạn ca nhạc dân tộc: Chèo, Tuồng, Quan họ.
Cũng tại không gian của Trung tâm giao lưu phố cổ Hà Nội, từ ngày 18 đến 27/11 còn diễn ra hoạt động sắp đặt không gian triển lãm ước lệ theo lối cung đình do họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chủ trì. Không gian triển lãm ước lệ này sẽ giới thiệu 9 bộ trang phục hầu đồng do Nghệ nhân Nhân dân Vũ Giỏi thực hiện và biểu diễn 5 giá đồng.
Không gian triển lãm cung đình đang được nhanh chóng chuẩn bị để chào đón du khách.
Nếu bạn nào muốn tìm hiểu về văn hóa uống trà của người Việt trong khoảng thời gian từ 18-20/11/2016 hãy ghé qua Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây để nghe giới thiệu nghệ thuật trà Việt trong không gian Ngôi nhà di sản.
Trong không gian cổ kính của Đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc), những người yêu thích nghề thủ công truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghề Thêu, có thể sẽ được chiêm ngưỡng những nghệ nhân của ngành thêu trình diễn thêu tay, đặc biệt sẽ được tận mắt nhìn và nghe giới thiệu nghề Thêu truyền thống do nghệ nhân Vũ Hải (xã Toàn Thắng, huyện Thường Tín) giới thiệu. Hoạt động này diễn ra từ ngày 18 – 20/11.
Tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng sẽ diễn ra hoạt động triển lãm ảnh "Di sản văn hoá Việt" (từ ngày 18/11 đến 31/12) trên phố Lê Thái Tổ (đối diện Tượng đài Vua Lê). Hoạt động triển lãm do KTS Nguyễn Phó Đức làm trưởng nhóm.
Từ cuối tuần này, phố cổ Hà Nội sẽ vô cùng sôi động với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn. Những hoạt động này hứa hẹn sẽ góp phần thu hút du khách đến Hà Nội trong dịp kỷ niệm 12 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Bài và ảnh: Loan Vũ