Nếu hỏi các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế rằng Mặt Trời có màu gì, họ sẽ khẳng định rằng nó luôn có màu trắng. Câu trả lời này sẽ khiến những người sống trên Trái Đất như chúng ta phải sửng sốt.
Tuy nhiên, câu trả lời của các phi hành gia là hoàn toàn đúng. Bởi ánh sáng Mặt Trời là một hỗn hợp ánh sáng có màu trắng, khi nhìn từ vũ trụ thì Mặt Trời là một quả cầu phát ra tia sáng trắng.
Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc vậy tại sao khi quan sát từ Trái Đất, chúng ta lại thấy Mặt Trời có nhiều màu sắc khác nhau? Ánh sáng đi vào bầu khí quyển của chúng ta sẽ bị gián đoạn bởi các hạt khí (có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bước sóng của ánh sáng) dẫn tới hiện tượng gọi là tán xạ Rayleigh.
Tán xạ Rayleigh (gọi tên theo nhà vật lý Lord Rayleigh) là một loại tán xạ ánh sáng bởi các hạt hay vùng không đồng nhất trong môi trường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bước sóng của ánh sáng. Kiểu tán xạ này làm lệch hướng mạnh các tia sáng có bước sóng ngắn.
Có nghĩa là tia sáng có bước sóng càng ngắn (như ánh sáng màu xanh) thì sự tán xạ lại càng mạnh hơn; ánh sáng bước sóng dài (ánh sáng màu đỏ) thì tán xạ ít hơn.
Vào buổi trưa, góc chiếu của Mặt Trời tương đối lớn, ánh sáng chiếu thẳng xuống Trái Đất xuyên qua bầu khí quyển mỏng hơn, tác dụng tán xạ của bầu khí quyển đối với ánh sáng Mặt Trời trở nên yếu đi, chúng ta sẽ nhìn thấy Mặt Trời có màu trắng.
Còn lúc bình minh và hoàng hôn, hai thời điểm này Mặt Trời nằm ở vị trí thấp hơn đường chân trời. Ánh sáng phải vượt qua nhiều lớp khí quyển hơn để tới Trái Đất và chỉ có ánh sáng đỏ và cam ít bị tán xạ là có thể chiếu tới mắt chúng ta. Vì vậy, vào lúc bình minh và hoàng hôn chúng ta sẽ nhìn thấy Mặt Trời có màu vàng chanh hoặc vàng cam.