Hiểu sâu sẽ nhớ lâu
Nếu chưa thật sự hiểu những kiến thức đã học, bạn sẽ gặp khó khăn khi ghi nhớ chúng. Nếu cố gắng nhồi nhét, có thể bạn vẫn ghi nhớ được, nhưng cách “học vẹt” này chẳng thể nào giúp bạn nhớ kiến thức được lâu. Chỉ một thời gian ngắn không ôn lại, kiến thức sẽ trôi tuột ra khỏi đầu.
Để hiểu được kiến thức, bạn cần phải tập trung nghe giảng trên lớp, tránh nói chuyện hay làm việc riêng. Với phần kiến thức mà bạn chưa hiểu, hãy nhanh chóng nhờ bạn bè, thầy cô phân tích lại cho đến khi thật sự thông tỏ. Cứ chịu khó tìm hiểu, phân tích, rút ra những nội dung cốt lõi của bài học, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ kiến thức ngay thôi!
Ghi chép thông tin đầy đủ, rõ ràng
Nhiều bạn học trò ngại ghi chép và nghĩ rằng chỉ cần nghe thầy cô giáo giảng rồi đọc lại sách giáo khoa là đủ ghi nhớ kiến thức rồi. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho biết việc ghi chép bằng giấy bút sẽ thúc đẩy khả năng ghi nhớ của não bộ. Chưa kể, khi giảng bài, các thầy cô giáo không chỉ phân tích mà còn liên hệ, đặt các câu hỏi mở rộng để chúng ta có cơ hội tìm tòi, kích thích tư duy… Biết cách ghi chép đầy đủ, khoa học sẽ tạo ra “kho” tư liệu quý để bạn ôn tập và khắc sâu kiến thức đấy nhé!
Tập trung cao độ khi học
Vào thời điểm não bộ tập trung nhất, khả năng ghi nhớ được thăng hạng rõ rệt. Vì vậy, hãy tạo cho bản thân thói quen học tập tập trung dù trong môi trường có nhiều tác nhân bên ngoài ảnh hưởng như tiếng ồn, tiếng động, tiếng trò chuyện hoặc lời mời gọi đi chơi... Nếu việc tập trung vẫn còn khá khó với bạn, hãy học tập tại nơi yên tĩnh, không có ai quấy rầy bạn như ở thư viện chẳng hạn.
Sử dụng phương pháp liên tưởng, tưởng tượng
Nếu thông tin cần nhớ quá khô khan và khó nhớ, bạn hãy liên tưởng đến ví dụ thực tế hoặc sự kiện tương đồng, gần gũi để não bộ đón nhận dữ kiện đó dễ dàng hơn. Ví dụ như khi học từ tiếng Anh “cat” có nghĩa là chú mèo, bạn sẽ liên tưởng đến cảnh một chú mèo đang ngồi trên bãi cát. Hình ảnh bãi cát sẽ giúp cho bạn nhớ phát âm của từ “cat” trong tiếng Anh, còn hình ảnh chú mèo sẽ giúp bạn ghi nhớ nghĩa của từ “cat”. Sự liên tưởng càng sinh động, thú vị, ấn tượng thì mức độ ghi nhớ của bạn sẽ càng sâu sắc hơn.
Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan
Nếu bạn đang ở trong tình trạng căng thẳng, lo âu, mệt mỏi thì não bộ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng và chức năng ghi nhớ sẽ không thể phát huy được hết khả năng của nó. Vậy nên, hãy luôn lạc quan và giữ tâm thế bình tĩnh, thoải mái ở mọi hoàn cảnh. Tâm trạng tốt sẽ giúp việc hệ thống, ghi nhớ thông tin được hiệu quả và sáng suốt hơn nhiều đấy, các bạn ạ!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số 17 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |