Theo thông tin từ khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm thường tăng lên khi hè đến. Nguyên nhân của việc gia tăng số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nóng chủ yếu là do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước phát triển, vi khuẩn cũng là thủ phạm hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm cho con người. Tại nước Anh, trong 2000 ca bị ngộ độc thực phẩm riêng lẻ do vi khuẩn thì Campylobacter jejuni chiếm 77,3%, Salmonella 20,9%, Escherichia coli 0157:H7 1,4%, các vi khuẩn còn lại gây ra ít hơn 0,1% số ca.
Theo các chuyên gia y tế, mùa hè nhiệt độ tăng cao chính là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Đó là các loại vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng sống và phát triển trên chính thực phẩm của con người. Dịch tiết của những vi sinh vật này chứa độc tố, là nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm.
Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại ở khắp mọi nơi trong không khí. Tuy nhiên thời tiết nắng nóng hoặc vào những thời điểm giao mùa trong năm thường làm cho các loại vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn. Thức ăn vì thế cũng dễ hỏng, dễ ôi thiu hơn khi thời tiết mát mẻ hay trong mùa lạnh.
Các triệu chứng ngộ độc thường bắt đầu từ một đến 3 ngày sau khi ăn. Nhẹ thì bị tiêu chảy hoặc ói mửa, nặng kèm theo sốt, chóng mặt, giảm đi tiểu, mất nước, đau bụng dai dẳng, có máu và chất nhầy trong phân. Đa phần ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự khỏi, song nếu triệu chứng trở nên nặng hơn, bạn cần sự tư vấn và điều trị của bác sĩ.
Ngộ độc thực phẩm cũng được coi là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng.... Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần con người mệt mỏi.
Những loại thực phẩm dễ nhiễm khuẩn
Những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa hay những thức ăn thực vật giàu đạm chính là “mảnh đất vàng” để các loại vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Nghêu, một thực phẩm có thể gây ngộ độc nếu không chế biến cẩn thận.
Một số đối tượng thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc:
Ăn thịt gỏi hay thịt chưa chín kỹ.
Ăn cá và hải sản (sò, trai, nghêu, cua, ghẹ) tươi sống hay chưa chín kỹ.
Ăn các món có trứng gà chưa hoàn toàn được nấu kỹ
Ăn các món gỏi
Ăn một số loại rau sống như cải bruxen, đậu.
Uống nước trái cây chưa được diệt khuẩn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn.
Cách phòng tránh
Các chuyên gia khuyên nên tôn trọng 4 quy tắc sau đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm: Rửa sạch, nấu kỹ, bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín, không để lẫn thực phẩm sống và chín.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong bối cảnh nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang hiện hữu, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chú ý bảo quản thức ăn đúng cách: “Pama nên sử dụng thực phẩm được mua ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng về nhà cung cấp cấp, nhà phân phối, có nhãn mác và địa chỉ sản xuất, kinh doanh cụ thể. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế thức ăn thừa.
"Thực phẩm cần được bảo quan cẩn thận trong tủ lạnh trong thời gian ngắn nhất có thể, không lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm quá lâu. Bên cạnh đó phải tách biệt giữa thức ăn chín và sống, đồng thời đảm bảo nhiệt độ nấu thức ăn phải đầy đủ. Người dân nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện nguyên tắc nấu chín, uống sôi. Tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng để chế biến thực phẩm "- BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Theo Giadinh.net