Những "cánh hoa bay"

Chu Hải
Vào những ngày nắng đẹp, nếu ra vườn hoa hay vào rừng dạo chơi, bạn dễ dàng bắt gặp muôn vàn cánh bướm rập rờn. Các nhà côn trùng học ước tính có khoảng 20.000 loài bướm sống ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Nam cực.

Những “cánh hoa bay” này có rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, vị giác của bướm nằm ở chân; bướm có thể bay với tốc độ lên đến 50km/h; sâu bướm không có xương nhưng có hơn 1.000 cơ bắp… 

Bướm khổng lồ

Bướm khế có tên khoa học Attacus Atlas, là một trong ba loài bướm xuất hiện trong Sách đỏ Việt Nam (bướm khế, bướm đuôi dài, bướm phượng). Chúng được ghi nhận là loài bướm có kích thước lớn nhất thế giới với chiều dài sải cánh từ 25 - 30cm.

Bướm ngụy trang

Nhờ có chiêu ngụy trang khéo léo, biến mình thành lá cây, bông hoa… mà loài bướm này dễ dàng “qua mặt” nhiều kẻ săn mồi tinh ranh như: chim, thằn lằn, ếch...

Bướm độc

Những loài bướm độc như bướm Lam chỉ hút mật từ hoa của các loại cây có độc tố. Do vậy, cả sâu bướm lẫn bướm trưởng thành thuộc loài này đều rất nguy hiểm đối với chim, thằn lằn hoặc động vật có vú nếu ăn phải.

Bướm hiếu chiến

Bướm gân xanh ở châu Phi là loài hung hăng nhất thế giới. Để bảo vệ lãnh thổ, chúng gây chiến bằng cách bay vút lên cao rồi nhào thẳng vào bất kỳ mục tiêu nào, từ côn trùng cho đến… người.

Bướm “nếm” bằng chân

Loài bướm này có cơ quan cảm thụ hóa học ở chân, giúp chúng dễ dàng cảm nhận được vị ngọt của mật hoa. Khác với loài ong chỉ chuyên lấy mật và phấn hoa thì chúng ăn tất cả, từ phấn hoa, nhựa cây, quả thối rữa, lá, bùn... cho đến phân chim.

Bướm đẹp hơn dưới ánh nắng

Bướm có thể bay trong điều kiện nhiệt độ từ 15 độ C đến 43 độ C. Tự cơ thể bướm không thể sản sinh ra nhiệt nên nó rất cần ánh mặt trời để sưởi ấm. Dưới ánh nắng, đôi cánh của bướm hấp thụ hơi nóng, giúp cơ thể của nó có được nhiệt độ cần thiết để bay lượn. Chính vì vậy, tia nắng mặt trời đã làm cho bướm trở nên đẹp hơn khi dang rộng đôi cánh vút bay.

Bướm ngủ đông

Giống như loài gấu, một số họ nhà bướm sống ở vùng lạnh giá thường ngủ đông. Chúng hay treo mình trong hang hoặc bám vào cành cây, ngủ im lìm suốt mùa đông và chỉ thức dậy khi ánh nắng ấm áp đầu tiên của mùa xuân chiếu rọi.

Bướm có đôi cánh trong suốt

Một vài loài bướm có đôi cánh trong suốt như kính. Chúng thường sử dụng sự kỳ diệu của đôi cánh để lẩn trốn kẻ thù bằng cách đứng lẫn vào những bông hoa.

Bướm tỏa ánh sáng lung linh

Giống như hầu hết họ hàng của mình, loài bướm xanh lam có những lớp vẩy siêu nhỏ trên đôi cánh. Lớp vẩy này khiến cho ánh xanh phát sáng và trở nên lấp lánh. Khi nhìn chúng ở các góc độ, bạn sẽ thấy lúc thì màu xanh, lúc lại màu tím, thậm chí cả màu lục nữa.

“Kẻ lừa đảo”

Loài bướm cú luôn khiến những kẻ săn mồi phải giật mình. Các “con mắt giả” trên bộ cánh làm kẻ thù phân tản sự chú ý, từ đó giúp chúng có cơ hội tìm được đường tẩu thoát.

Cách thức giao tiếp của bướm

Hầu như loài bướm truyền đạt thông tin bằng những ký hiệu hóa học. Nhưng đôi khi, có những con bướm đực lại truyền tin bằng cách cọ xát đôi cánh vào nhau để phát ra âm thanh.

Thời gian của bướm rất quý giá

Khi xé kén để chui ra ngoài, cánh của bướm bị nhăn và rất ẩm. Nó chỉ có một đến hai tiếng đồng hồ để dang rộng đôi cánh và phơi khô trước khi bay. Nếu không hoàn thành được việc đó trong khoảng thời gian trên, những nếp nhăn sẽ bị khô lại, khiến nó vĩnh viễn không bay được.

KIM TUYẾN
(Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những "cánh hoa bay" tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Lao Xa - Hoang sơ và thơ mộng

Nếu bạn là người yêu thích khám phá những vùng đất mới, thì hãy ghé qua bản Lao Xa - một trong những địa điểm đẹp và thơ mộng bậc nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang nhé!

Đình làng Hà Hồi

Nằm ở vị trí trung tâm xã Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), đình làng Hà Hồi là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ còn tồn tại đến ngày nay.