Đường lên đỉnh Olympia năm nay bước sang tuổi 22. Đây là sân chơi trí tuệ uy tín của các bạn học sinh THPT đồng thời là cái nôi giúp phát triển nhân tài đất nước. Cuối tuần này, trận chung kết Olympia năm thứ 21 sẽ chính thức diễn ra, tô điểm thêm lịch sử hơn 2 thập kỷ của chương trình.


Trong suốt 21 năm qua, Olympia đã tạo nên những dấu ấn quan trọng nào? Tất cả sẽ được thống kê qua loạt con số dưới đây.
20 nhà vô địch đến từ 17 trường khác nhau trong đó 4 quán quân là nữ
Tương ứng với 20 năm chung kết là 20 nhà vô địch đến từ 17 trường khác nhau. Đặc biệt, 3 ngôi trường vinh dự có 2 học sinh giành vòng nguyệt quế là THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế), THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) và THPT Hòn Gai (Quảng Ninh).
Trong số 20 nhà vô địch, có 4 quán quân nữ gồm Trần Ngọc Minh (năm 1), Lương Phương Thảo (năm 3), Phạm Thị Ngọc Oanh (năm 11) và Nguyễn Thị Thu Hằng (năm 20). Những cô gái tài năng này chinh phục khán giả nhờ kiến thức uyên bác và bản lĩnh xuất sắc.

Kỷ lục điểm số
Trong 21 năm qua, có 3 thí sinh từng đạt điểm số kỷ lục - 460 điểm là Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (năm 15), Phan Đăng Nhật Minh (vô địch năm 17), Nguyễn Bá Vinh (vào chung kết năm 19).

17 MC cầm trịch
Dấu ấn của Đường lên đỉnh Olympia còn đến từ dàn MC tài năng, uyên bác. Người dẫn chương trình đầu tiên kiêm đạo diễn trong 5 năm đầu là nhà báo Tạ Bích Loan. Đây cũng là người đưa ra ý tưởng chọn vòng guyệt quế làm phần thưởng cho người chiến thắng. Nối tiếp nhà báo Tạ Bích Loan là nhà báo Nguyễn Tùng Chi, MC Kiều Anh, MC Bùi Khánh Chi, MC Diệp Chi... MC hiện tại là Phạm Ngọc Huy và Trần Khánh Vy.

3 tình huống đặc biệt
Trong hàng ngàn số đã phát sóng, không ít lần xảy ra tình huống gay cấn, lắt léo nhưng đây là 3 tình huống nổi bật nhất. Tình huống đầu tiên vào cuộc thi quý 2 năm thứ 12, 2 thí sinh Nguyễn Tài Thu, THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn và Nguyễn Ngọc Khánh,THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum cùng sở hữu 240 điểm và phải trả lời phần câu hỏi phụ để tìm ra người chiến thắng.
Vào năm thứ 14, có tới 2 phần thi câu hỏi phụ được đưa ra với 2 thí sinh có cùng số điểm 210 là Trần Mai Khánh Linh (THPT Lạng Giang 1, Bắc Giang) và Đỗ Minh Ngọc (THPT chuyên Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Hà Nội); 2 thí sinh có cùng số điểm 235 là Trần Thái Bảo Vy (THPT Số 1 An Nhơn, Bình Định) và Lê Văn Sơn (THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn).

Tiếp theo là trận thi tháng 3 quý 1 năm thứ 16, Tô Hồng Thư (THPT Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), Phạm Kiều Hoàng Thụy (THPT Trần Bình Trọng, Khánh Hòa) và Nguyễn Hữu Hoàng Hải (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) cùng sở hữu số điểm như nhau và bước vào phần thi câu hỏi phụ để xác định ai sẽ lọt vào cuộc thi quý. Đây là lần đầu tiên có 3 thí sinh cùng tham gia phần câu hỏi phụ.