Báo Thiếu niên Tiền phong (nay là báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng - TNTP&NĐ) có những tấm gương xuất sắc làm việc bằng cả trái tim vì bạn đọc và tờ báo. Dưới đây là một vài nhân vật tiêu biểu trong 70 năm qua.
1. Nhạc sĩ Phong Nhã (tên thật là Nguyễn Văn Tường; 1928-2021) là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo. Mọi người chỉ hay biết ông là nhạc sĩ của hàng trăm ca khúc thiếu nhi để đời, nhưng ít ai biết rằng ông là một trong những người chủ chốt ra những số báo đầu tiên và thiết lập đội hình đầu tiên của tờ báo. Ông là tấm gương cao cả, hết lòng vì sự nghiệp chung, vì bạn đọc nhỏ tuổi. Suốt 70 năm qua, ông là “Người anh tinh thần” của biết bao thế hệ cán bộ, phóng viên, họa sĩ… của Báo.

2. Nhà văn, nhà báo Cửu Thọ (1932- 2016) là người đầu tiên xây dựng hình tượng Bóng Nhựa và Bút Thép lôi cuốn trên báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP) trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Cùng với Cửu Thọ còn có nhà báo Nguyễn Phi Hùng và họa sĩ Quản Tập là những người góp phần “đắp da, nêm thịt, thổi hồn” để Bóng Nhựa và Bút Thép trở thành những nhân vật được thiếu nhi một thời say mê, cho tới ngày nay vẫn được nhắc tới. Sau ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, nhà văn Cửu Thọ trở thành một người sáng lập và chủ biên báo Khăn Quàng Đỏ. Cho tới nay, tờ báo vẫn được các bạn đọc nhỏ tuổi của Thành phố mang tên Bác yêu thích.


3. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) làm phóng viên báo TNTP từ năm 1966 tới năm 1973. Bản năng của ông là viết: Viết cho báo TNTP và sau này ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng. Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết, là dịch giả của nhiều tác phẩm trên thế giới. Những tiểu thuyết như “Miền hoang tưởng” (1990), “Hồ Quý Ly” (2000), “Mẫu thượng ngàn” (2006), “Đội gạo lên chùa” (2011)… là những tác phẩm xuất sắc đã đem về cho ông nhiều giải thưởng danh giá nhất của văn đàn nước Việt.

4. Nhà báo Nguyễn Phong Doanh (sinh năm 1943) là Tổng Biên tập của báo TNTP từ năm 1990 tới năm 1998. Ông là người đã vượt lên những tư tưởng làm báo cũ kĩ, luôn đổi mới để đưa tờ báo trở nên vui tươi, trí tuệ, hấp dẫn bạn đọc. Nhà báo Nguyễn Phong Doanh cũng chính là người đã trăn trở để cho ra đời ấn phẩm Hoa Học Trò - một tờ báo hoàn toàn theo ý tưởng của ông, có tác dụng bồi dưỡng và nâng tầm tư duy của nhiều thế hệ độc giả trẻ để họ trở thành những người có năng lực hội nhập và nhân cách cao cả.

5. Nhà thơ Lệ Bình (tên thật là Phạm Văn Lệ, sinh năm 1948). Nhiều bài thơ của nhà báo - nhà thơ Lệ Bình cũng góp phần tô điểm cho tờ báo, cuốn hút bao trái tim của bạn đọc. Đặc biệt hơn, có những bài thơ của ông “lọt mắt xanh” của nhiều nhạc sĩ và họ đã phổ nhạc cho chúng để trở thành những bài ca bất hủ. Bài hát “Thành phố mười mùa hoa” (nhạc Phạm Tuyên, lời thơ Lệ Bình), ra đời năm 1985 đã trở nên quen thuộc với rất nhiều khán giả. Nhà thơ Lệ Bình còn có bài thơ - bài hát “Tia nắng hạt mưa” (nhạc Khánh Vinh) đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc dành cho lứa tuổi Trăng rằm năm 1992, một bài hát làm cho các thế hệ học trò một thời mê say. Ông có tới 50 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc - một con số “khủng” để nói về một nhà thơ được yêu mến.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư, số 13 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |