Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam

Ngọc Lam
Phụ nữ Việt Nam được biết đến là những người tài đức vẹn toàn, giàu đức hy sinh. Với những gì họ cống hiến cho đất nước sẽ luôn được lịch sử Việt Nam ghi nhớ.

Với hơn 4000 năm lịch sử và phải đối mặt với rất nhiều mối nguy ngoại xâm từ các nước lớn, dân tộc Việt Nam đã sinh ra nhiều người con ưu tú và trong đó, phụ nữ chiếm một phần đáng kể. Họ là những người phụ nữ vĩ đại, những người mẹ nén nỗi đau mất chồng, mất con để chiến đấu giành lại hòa bình cho đất nước. Họ cũng chính là những cô gái mới tuổi đôi mươi nhưng đã quên mình tham gia vào đội du kích, giao liên.

Và đúng như câu nói: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", những người phụ nữ sẵn sàng gác bỏ lại mọi thứ để cầm súng đứng lên chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những cái tên tiêu biểu đã góp công góp sức bảo vệ tổ quốc để chúng ta được sống trong thời bình như ngày hôm nay.

1. Hai Bà Trưng

Đây chính là hai nữ tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta đứng lên chống lại giặc ngoại xâm. Hai người vốn là chị em ruột, người chị tên Trưng Trắc còn người em tên Trưng Nhị, thuộc dòng dõi lạc tướng tại đất Mê Linh dưới thời vua Hùng. Quyết không để kẻ thù cướp nước, hai nữ anh hùng này đã đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán.

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - Ảnh 4

Hai bà đã lập nên nền độc lập tự chủ trong vòng 3 năm sau hơn 200 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ. Vương triều mới do Trưng Trắc làm vua lấy hiệu là Trưng Vương. Dù quyền tự chủ đất nước do Hai Bà Trưng mang lại không dài (từ năm 40 đến năm 43) nhưng cả hai đã khắc sâu vào lịch sử và tâm thức của những người con Việt Nam.

Hai nữ tướng này đã thắp lên ngọn lửa chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là tấm gương anh dũng làm vẻ vang cho nữ giới. Ghi nhớ công ơn của hai bà, người dân đã lập đền thờ ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) để tưởng nhớ. Đây cũng chính là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô.

2. Triệu Thị Trinh (Bà Triệu)

Nhà Ngô xâm lược nước ta, chúng đã gây nên khung cảnh đau thương cho người dân. Khi đó, Triệu Thị Trinh mới khoảng 19 tuổi quyết định bỏ nhà vào núi xây dựng căn cứ và chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Họ hàng, người thân khuyên bà lấy chồng nhưng bà khẳng khái nói rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta".

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - Ảnh 3

Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại nhưng đã để lại một mốc son sáng ngời trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Tinh thần yêu nước cùng chí khí quật cường, sự hy sinh lẫm liệt của bà không chỉ làm cho kẻ thù khiếp sợ mà còn là nguồn cổ vũ lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc. Hiện nay, lăng và đền thờ được đặt tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

3. Nguyễn Thị Minh Khai

Nguyễn Thị Minh Khai tên khai sinh Nguyễn Thị Vịnh (1910 - 1941) là một nhà cách mạng Việt Nam. Đồng thời, bà cũng là một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930 - 1940. Bà gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương năm 1930 và phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Bến Thủy, Trường Thi. Sau đó, bà Nguyễn Thị Minh Khai sang Hương Cảng làm thư ký ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - Ảnh 2

Năm 1931, bà bị bắt giam tại Hương Cảng và ra tù năm 1934, được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản cùng với Lê Hồng Phong tại Moskva. Năm 1936, bà được cử về nước để truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng thời vào xứ ủy Nam Kỳ giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 30/7/1940, bà và ông Nguyễn Hữu Tiến - tác giả cờ đỏ sao vàng bị bắt ngay sau khi phiên họp phổ biến về chủ trương khởi nghĩa của xứ ủy Nam Kỳ diễn ra. Sau đó cả hai bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trong thời gian bị giam, bà vẫn tìm cách liên lạc ra bên ngoài để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sau đó thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn.

4. Võ Thị Sáu

Chị Võ Thị Sáu (1933 - 1952) đã trở thành một huyền thoại, sống mãi trong lòng mỗi người dân chúng ta. Chị hăng hái tham gia vào các hoạt cách mạng ngay từ khi mới 15 tuổi và lập được nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, chị bị giặc Pháp bắt giữ rồi chúng tra tấn chị một cách dã man. Nhưng với khí tiết của một người chiến sĩ cách mạng anh dũng, gan dạ, Võ Thị Sáu quyết không khai nửa lời.

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - Ảnh 1

Không làm gì được chị nên bọn chúng phải chuyển chị về giam tại Khám Chí Hòa. Ở đây, chị Sáu lại tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám. Đồng thời cùng với các chị em trong tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và bọn tay sai đã quyết định mở một phiên tòa. Kết thúc phiên tòa, chúng tuyên bố kết án tử hình đối với người nữ chiến sĩ trẻ này.

Sau đó, bọn chúng chuyển chị và một số người tù cách mạng khác ra nhà tù Côn Đảo và hành quyết chị vào năm 1952. Trước những gì chị Võ Thị Sáu đã cống hiến cho nhân dân, cho đất nước, năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

5. Nguyễn Thị Định

Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), sinh ra tại tỉnh Bến Tre, là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà bắt đầu tham gia Cách mạng từ phong trào Đông Dương đại hội năm 1936 với vai trò liên lạc, đi rải truyền đơn và vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột ở địa phương. Nguyễn Thị Định được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938 và tiếp tục tham gia các Phong trào cách mạng. Bà được phong Thiếu tướng, Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1974.

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - Ảnh 1

Sau ngày đất nước thống nhất, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam,... Năm 1995, Nguyễn Thị Định được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi bà mất, nhân dân đã lập đền thờ bà tại ấp Phong Điền (xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre). Tên của bà sau này cũng được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở Việt Nam.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Học sinh thi vẽ tranh "Hà Nội trong em"

Mới đây, UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) tổ chức Cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh các trường tiểu học, chào mừng 62 năm Ngày thành lập quận và hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Gặp mặt “Trạng nguyên nhí” ở xứ Đông

Mới đây, Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, Bảng Vàng ghi danh lần thứ IV và thi tại chỗ Bảng Vàng ghi danh năm học 2023-2024 đã diễn ra tại tỉnh Hải Dương.