Nơi lưu giữ chiến công xưa

Chu Hải
Để chi viện vũ khí cho bộ đội ở chiến trường miền Nam (Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau…) và vùng Nam Trung Bộ (Bình Định , Phú Yên, Khánh Hòa) có vũ khí đánh giặc thì ta phải mở đường mới đó là dùng tàu vượt biển...

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những con tàu không mang số hiệu của quân đội ta từ miền Bắc đã âm thầm tiến vào chi viện vũ khí cho chiến trường miền Trung và miền Nam. Đó chính là các chiến sĩ hải quân của những “con tàu Không số” trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.

Đài tưởng niệm những con tàu “Không số” ở Vũng Rô - huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Nếu như trên bộ dãy Trường Sơn có rừng núi che chở thì giữa biển khơi mênh mông không chút gì ẩn nấp quả là hết sức nguy hiểm do quân giặc có nhiều tàu chiến máy bay tuần tiễu. Tuy vậy các tàu không số của hải quân Việt Nam dưới sự điều khiển của những người chiến sĩ quả cảm đã vượt qua tất cả. Trước hết tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá ở miền Nam và lặng lẽ di chuyển vào khu vực rừng đước Cà Mau hay ở vùng Nam Trung Bộ có Vũng Rô (nay thuộc tỉnh Phú Yên) hay vùng biển Ninh Vân (tỉnh Khánh Hòa) để chi viện vũ khí là thuận lợi nhất. Bởi lẽ các nơi này có vị trí đất liền nhô ra biển xa nhất, gần với hải phận quốc tế. Hai nơi này đều là căn cứ cách mạng có núi cao, rừng rậm dễ ngụy trang. Vũ khí tiếp viện tại đây có thể chuyển lên Tây Nguyên. Do vậy Vũng Rô - vũng nước sâu nổi tiếng cũng như Ninh Vân - Hòn Hèo được chọn làm điểm tập kết suốt những năm đầu chống Mỹ thập niên 1960.

Học sinh xã đảo Ninh Vân với mảnh con tàu “Không số” 325 còn lưu trên sườn núi Hòn Hèo.

Tuy nhiên, sau nhiều lần thành công thì quân địch phát hiện ra và tấn công bất ngờ. Những chiến sĩ hải quân trên đoàn tàu Không số đã chiến đấu quyết liệt. Nổi tiếng nhất là con tàu “Không số” 325 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh điều khiển trong đêm rạng sáng 1 tháng 3 năm 1968. Để kho vũ khí và tàu của mình không rơi vào tay giặc, anh hùng Phan Vinh đã cùng 13 chiến sĩ cho tàu nổ tung bằng thuốc nổ và anh dũng hy sinh. Sức nổ khủng khiếp đã ném một mảnh con tàu lên sườn núi Hòn Hèo, Nha Trang, Khánh Hòa. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1970 và tên Anh đã được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trường THCS Nguyễn Phan Vinh ở Ninh Vân, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Hôm nay ở Hòn Hèo - xã Ninh Vân vẫn lưu dấu ấn mảnh con tàu trở thành di tích quốc gia để thế hệ mai sau mãi ghi nhớ về sự hy sinh của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và các chiến sĩ hải quân năm xưa. Vũng Rô còn đó dấu vết của những con tàu Không số anh hùng. Cả hai điểm đều trở thành điểm tham quan lịch sử để mọi người tới đây tưởng nhớ các anh hùng hy sinh trên biển quê hương.

Sơn Dương và tư liệu.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nơi lưu giữ chiến công xưa tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.