Nữ phi công tương lai giải mã nghề bay có học phí 4,6 tỷ, không đủ kinh tế vẫn có thể theo đuổi

Thu Trà
Tất tần tật thông tin về ngành phi công với học phí lên đến 4,6 tỷ sẽ được cô nàng du học Mỹ tiết lộ.

Trở thành phi công đang là mơ ước của nhiều bạn trẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhìn những anh, chị phi công xinh đẹp, bảnh bao hằng ngày kéo vali qua cửa ưu tiên, điều khiển những chiếc máy bay khổng lồ đi khắp thế giới, và lĩnh những tháng lương có thể tới cả chục nghìn USD là niềm ao ước của rất nhiều bạn trẻ. 

Để được như vậy bạn phải mất rất nhiều thời gian học tập và nghiên cứu, nhưng bù lại việc điều khiển một chiếc máy bay sẽ mang lại trải nghiệm khác hẳn với lái ô tô hay xe máy.

Học ngành phi công chứa rất nhiều điều thú vị chỉ dân trong ngành mới biết. Cô bạn Mạch Khanh là du học sinh Mỹ ngành Phi công với mức học phí lên đến 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng), trên channel cá nhân, nữ sinh này đã chia sẻ rất nhiều điều liên quan đến nghề phi công.

phi công - Ảnh 1
Mạch Khanh - cô bạn du học sinh Mỹ ngành Phi công với mức học phí lên đến 4,6 tỷ đồng

Làm thế nào để học phi công? 

Trường hợp Mạch Khanh nêu ra ở đây là người có quốc tịch Việt Nam muốn làm việc cho hãng hàng không ở Việt Nam. Bởi lẽ ở mỗi quốc gia và hãng hàng không khác nhau lại có các yêu cầu riêng.

Trước tiên là kỹ năng ngoại ngữ: Phiếu điểm tiếng Anh TOEIC của bạn phải từ 700 điểm trở lên (hoặc chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên còn hiệu lực).

Tiếp theo là các yêu cầu về thể lực về chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng ngực trung bình, lực bóp tay thuận, lực bóp tay không thuận… đều phải đủ tiêu chuẩn

 Chương trình học tập của nghề phi công được đào tạo cả ở Việt Nam và Mỹ vì thế học phí cũng là điều cần phải cân nhắc, bạn sẽ tốn khoảng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) để hoàn thành khóa học. 

phi công - Ảnh 2
Nếu không có đủ điều kiện tài chính học phi công, bạn có thể đổi sang các nghề khác gần liên quan như: Tiếp viên hàng không, kỹ sư hàng không, kiểm soát viên không lưu.

Mạch Khanh cho biết : "Sau khi trải qua những lần khám sức khỏe ở cả Việt Nam và Mỹ, mình nhận thấy một số khác biệt. Nếu cân nặng ở Việt Nam có giới hạn thì ở Mỹ lại không có yêu cầu hay tiêu chuẩn. Bởi Việt Nam thường thì học phi công để làm công việc lái máy bay nên các tiêu chuẩn sẽ phải tuân theo các hãng. Còn ở Mỹ thì nhiều lý do hơn: vì đam mê, gia đình có điều kiện mua máy bay... Nên cũng không quá quan trọng về cân nặng người bay.

Nếu không có đủ điều kiện tài chính 4,6 tỷ để học lái máy bay, bạn vẫn có thể xem xét đến tiêu chuẩn học lái máy bay quân sự, thử công việc tiếp viên hàng không. Hoặc cũng có công việc gần liên quan đến phi công như kiểm soát viên không lưu, kỹ sư hàng không. Tuy nhiên, những công việc này cũng sẽ tốn một khoản chi phí theo học nhất định".

Giải mã ngôn ngữ của phi công khi bay lên trời?

Ít ai biết, phi công có sử dụng một số ngôn ngữ riêng. Đó là "ngôn ngữ của những chuyến bay", gồm khoảng 300 từ kết hợp cả những biệt ngữ chuyên nghiệp lẫn tiếng Anh thông thường, được gọi là Aviation English (Tiếng Anh hàng không).

Ngôn ngữ này được tạo ra để tránh lỗi giao tiếp giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu, hạn chế rủi ro hay các tai nạn không đáng có.

phi công - Ảnh 3
Cách phát âm số trong ngôn ngữ hàng không

"Học cách giao tiếp qua bộ đàm máy bay là một trong những phần khó nhất khi học bay, những phi công mới vào nghề phải ghi chép và trải qua nhiều bài kiểm tra thực hành để chứng minh kỹ năng của mình", theo trang blog Oxford Dictionary trích dẫn.

phi công - Ảnh 4
Bảng chữ cái trong ngôn ngữ hàng không

Mạch Khanh tâm sự: “Để đọc những ngôn ngữ, đầu tiên bạn phải đọc được bảng chữ cái,bảng ký hiệu và rất nhiều từ vựng tiếng Anh của hàng không”. 

Những từ chuyên ngành ấy có thể đảm bảo phi công đủ khả năng xử lý và giao tiếp với trạm kiểm soát không lưu trong những trường hợp khẩn cấp.

Đó chỉ là bước đầu của chuỗi ngày miệt mài với lý thuyết thôi nhé! 

Trở thành phi công thực sự

Khi qua nước ngoài để học thực hành bạn mới thấu hiểu được  để làm được một phi công không hề đơn giản.

Nhớ lại khoảng thời gian học bay Mạch Khanh kể lại: Trong vòng 18 tháng, những học viên phi công - phải hoàn thành hơn 250 giờ bay. Mỗi chuyến bay kéo dài khoảng 1 - 2 giờ, với cái nắng gắt cháy lửa hoặc lạnh căm căm, và cả áp suất không khí. 

Nhưng trên tất cả, là áp lực bài tập, vừa giữ độ cao, tốc độ, hướng máy bay, vừa nghe chỉ huy mặt đất cho huấn lệnh và trả lời, vừa nghe giáo viên hướng dẫn bài bay, vừa quan sát đồng hồ bên trong và quan sát địa hình lẫn máy bay khác trong khu vực và đương nhiên cả bản đồ bay cầm trên tay, song song với việc tính toán khoảng cách cần giảm độ cao, phương cách tiếp cận và hạ cánh.

phi công - Ảnh 5
Sau hơn một năm du học, Mạch Khanh đang có 2 vạch trên cầu vai, tương ứng với cơ phó dự bị

Bên cạnh đó, Mạch Khanh cũng chia sẻ không phải vị giáo viên dạy bay nào cũng thực sự tốt. Bởi có những giảng viên chỉ quan tâm sao cho đủ giờ bay của mình nên không dạy nhiệt tình hoặc thậm chí câu thêm giờ. Điều này khiến sinh viên vừa không thực hành tốt, vừa mất thêm tiền vì sinh viên sẽ phải trả phí cho từng giờ bay như vậy.

Với một lượng kiến thức khổng lồ và các bài học kỹ năng phức tạp, quả thực  nghề phi công không chỉ đơn thuần là nghề kiếm bộn tiền - nó cũng chứa đầy những gian nan, thử thách. 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nữ phi công tương lai giải mã nghề bay có học phí 4,6 tỷ, không đủ kinh tế vẫn có thể theo đuổi tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.