Ở lứa tuổi dậy thì học sinh dễ bị suy sụp tinh thần

Phan Thoa
Quyết định đi tìm cái chết của một số học sinh là cộng hưởng của 4 cái thiếu: thiếu cân bằng trong tâm lý lứa tuổi, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu chỗ dựa từ thầy cô, bố mẹ.

Vụ việc nữ sinh lớp 7 N.T.L  trường THCS Tân Lâm (xã Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh) tự tử tại lớp học khiến nhiều người xót thương.

Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ tại xóm Nhân Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trước nỗi đau quá lớn, chú Trần Văn Cảnh (SN 1976) vẫn cố gồng mình để lo cho đám tang của con vì chú hiểu, nếu mình gục ngã thì người thân trong gia đình sẽ không có ai để nương tựa.

Trong phòng, tiếng khóc ai oán của vợ chú Cảnh khiến mọi người đều cảm thấy xót xa. Rất đông người dân lần lượt vào thắp hương chia buồn với gia đình, không ai nghĩ rằng bạn T.T.P.L (SN 2005) lại nghĩ quẩn như vậy.

Chia sẻ với báo Đất Việt  về bạn T.T.P.L, cô giáo chủ nhiệm lớp 7A cũng cho hay, L là một học sinh ngoan ngoãn, học rất giỏi. Buổi sáng bạn vẫn đến trường học bình thường nhưng có biểu hiện hơi mệt mỏi nên mới xin ở lại lớp, không đi học môn Tin.

Theo cô giáo chủ nhiệm, L có để lại 2 bức thư tuyệt mệnh. Nội dung bức thư cũng không đề cập đến lý do khiến bạn ấy có hành động dại dột như vậy. L chỉ nói rằng xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn được nữa...

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), dễ nhận ra phần lớn các vụ tự tử của học sinh đều rơi vào độ tuổi dậy thì. Là vì đang ở giai đoạn bất ổn khủng hoảng về tâm lý, nên không biết cách quản lý cảm xúc và hành động theo cảm xúc. Ngoài ra, ở tuổi dậy thì, học sinh hướng nội nhiều hơn, ít chia sẻ với người khác. Chưa kể sức đề kháng về tinh thần chưa cao để chống chọi, đối phó, xử lý với tất cả các xung đột, mâu thuẫn, cũng như áp lực từ bên ngoài như: áp lực học tập, gặp vấn đề trong mối quan hệ bạn bè (bị bạn bè hiểu lầm…), chứng kiến bố mẹ không hạnh phúc… nên khi gặp chuyện trắc trở dễ suy sụp và quyết định tự tử.

“Thường thì học sinh tự tử để giải thoát bản thân, cũng như để khiến người khác như bạn bè, thầy cô, gia đình phải hối tiếc. Đây là tình trạng rất đáng báo động”, chú Duy nói thêm.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm, cũng cho biết ở tuổi dậy thì, học sinh thường nhạy cảm và có suy nghĩ quan trọng hóa vấn đề. Chỉ cần bị thầy cô phê bình, bị bố mẹ trách mắng hay bị bạn bè chê là cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, từ đó sẽ tủi thân và hoảng loạn tinh thần. Và khi học sinh thiếu chỗ dựa tinh thần, tâm lý thì sẽ nghĩ quẩn và tìm đến tự tử, hành vi này thường diễn ra bộc phát và rất nhanh.

Trao đổi với báo Thanh niên về vấn đề trên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc hiếu cho hay, quyết định đi tìm cái chết của một số học sinh là cộng hưởng của 4 cái thiếu: thiếu cân bằng trong tâm lý lứa tuổi, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu chỗ dựa từ thầy cô, bố mẹ.

Nếu không biết quản lý cảm xúc, không biết tự giải tỏa và vượt qua áp lực, cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át hết cả lý trí và ý chí trong con người, làm họ yếu mềm đi và dẫn tới gục ngã. Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, các em dễ cảm thấy cùng đường và chìm vào sự căng thẳng trong khi còn rất nhiều cách để giải quyết. Nếu có cha mẹ, thầy cô làm chỗ dựa, hẳn các bạn đã không dễ dàng gục ngã một cách cô đơn như vậy.

Nhưng lý do quan trọng nhất đó chính là các bạn thiếu hụt trầm trọng kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống. Chỉ cần một lời phê bình của thầy cô cũng đủ để một học sinh nhảy lầu tự tử, chỉ cần mất 600.000 đồng tiền quỹ lớp cũng đủ để một học sinh uống thuốc diệt cỏ quyên sinh, chỉ cần trượt kỳ thi đại học cũng đủ để một học sinh khá giỏi treo cổ tự tử, chỉ cần và chỉ cần những lý do nhỏ nhặt cũng đủ để nhiều bạn trẻ tự kết thúc mạng sống của chính mình. Trong khi những lý do nhỏ nhặt đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, các bạn hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu như người lớn hướng dẫn các bạn. Nhưng không, không ai chỉ bảo cho các bạn kỹ năng này cả.

Một bạn nhỏ khi gặp một vấn đề, bạn sẽ hay cảm thấy bế tắc do chưa có kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhưng thực ra, trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Nếu một mình bạn không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đó cũng là một cách giải quyết. Ngay khi sự cố mất tiền quỹ xảy ra, nếu bạn ấy tâm sự với ba mẹ thì kết cục đã khác. Nếu bạn thi hỏng đại học, hãy hiểu rằng, thất bại này không có nghĩa là bạn cùng đường, mà là bạn cần phải tìm một con đường khác. Khi đó, sẽ không có nhiều vụ tự tử thương thâm.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Hãy biết rằng cuộc sống này có thoải mái hay không là do ở cách nghĩ của chính bạn mà thôi. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Minh Hiếu chia sẻ thêm, rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình mà vững chắc thì con trẻ khó mà gục đổ một cách dễ dàng. Hầu hết các trường hợp tự tử, bố mẹ đều cho biết họ “không ngờ”. Thực ra để đi đến quyết định tự tử, người ta ít nhiều cũng có những đắn đo, đấu tranh nội tâm. Nếu quan tâm đến con cái một chút, ông bố bà mẹ, những người đã nuôi con mấy chục năm trời không quá khó để nhận ra cái nét buồn trong mắt của con, cái thở dài hay cái im lặng bất thường nơi đứa con mình.

Tuổi mới lớn đã bắt đầu có khả năng tự định đoạt mạng sống của mình, nhưng các bạn chưa đủ chín chắn để làm chủ khả năng đó. Bố mẹ nên bên cạnh để chống đỡ cho bạn những bước đi đầu tiên vào đời, là nhà tư vấn cho các bạn, hướng dẫn các bạn biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ở lứa tuổi dậy thì học sinh dễ bị suy sụp tinh thần tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Làm thế nào để tự khích lệ mình?

Trong cuộc sống cũng như trong học tập, bạn có thể gặp một vài rắc rối, trắc trở. Có thể là bài kiểm tra điểm thấp, bị bạn bè hiểu lầm... khiến tâm trạng bạn lo lắng, chán nản. Sự chán nản, thất vọng không chỉ một ngày, có thể nhiều ngày, nhiều tháng, nếu bạn không biết cách vượt qua.

Có một ngày gọi là sinh nhật

Sắp đến sinh nhật con rồi. Không chỉ con, mà cả nhà đều mong đợi. Mẹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần chiêu đãi con và các anh chị em họ của con những món ngon các con vẫn thích. Mọi người đang tìm hiểu xem con đang mơ ước được nhận món quà gì?

Dạy kĩ năng sống cho học sinh qua chuyện cổ tích

Các bạn học sinh khối 3 trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã được tham gia diễn đàn “Xây dựng kĩ năng sống cho trẻ qua chuyện cổ tích”. Diễn đàn là một trong những hoạt động phát triển năng lực học sinh.

Nhường nhịn bạn gái là ga-lăng

Tối nay, lúc ăn cơm, mẹ cứ phàn nàn con chẳng “ga-lăng” gì cả, giành đồ chơi với bạn gái. Rồi lại lấy quyển sách đập lên đầu bạn nữa chứ. Con cãi, vì bạn đập con trước. Rồi con cứ bực bội với mẹ mãi… Bố biết, vì con chưa hiểu thế nào là “ga-lăng”, và vì sao đàn ông, con trai lại phải nhường nhịn đàn bà, con gái?