Các kết quả quan trắc chất lượng không khí quốc gia do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện cho thấy, từ đầu tháng 10, có nhiều thời điểm, nhiều vị trí, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã lên đến 197 - tương ứng với thang màu đỏ. Chỉ số này thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt người già, trẻ nhỏ, người có bệnh về đường hô hấp...
“Mùa” ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí xảy ra tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi. Đó là chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt,… trong không khí lớn, ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhận định, tại thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận, cùng với các nguyên nhân như trên, bụi thải từ hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là nguồn phát thải các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là chứa bụi mịn PM2.5. Các chất ô nhiễm trong không khí tiếp tục tạo ra bụi thứ cấp, kết hợp với điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch về nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, hạn chế khuếch tán chất ô nhiễm không khí.
Chỉ số chất lượng không khí được Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, phân thành nhiều mức nhằm mục tiêu cảnh báo. Khi chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 trở lên) gây ảnh hưởng tới sức khỏe của những người bình thường, đối với nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bụi mịn PM2.5 hay PM10 rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc nên có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phía nan, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 cũng nhìn nhận, ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5, đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia y tế ví bụi mịn là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Đối với phụ nữ mang thai, các chất ô nhiễm trong không khí có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển bào thai, tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân. Trẻ em tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí có nguy cơ gia tăng nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản; tổn thương hệ thần kinh và chậm phát triển nhận thức; các bệnh tim mạch. Người cao tuổi tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí, nhất là bụi mịn dù trong thời gian ngắn cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhập viện, tử vong do các bệnh hô hấp, tim mạch.
Việc xác định mức độ ô nhiễm của không khí cần dựa trên thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe do tác động từ chất lượng không khí bị ô nhiễm phải được Bộ Y tế (cơ quan được Chính phủ phân công trách nhiệm) xác định và công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Chủ động kiểm soát ô nhiễm không khí
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, gần đây nhất là Công văn số 2796/KSONMT-CLMT ngày 01/8/2024 gửi 63 Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian giao mùa.
Trong đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối theo quy định; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và phương tiện truyền thôn. Kết quả quan trắc cần được chia sẻ với các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí theo dõi, tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5 - 7 giờ và 14 - 19 giờ.
Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt phụ phẩm nông nghiệp, khu vực xây dựng; các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đề nghị UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp…
Đặc biệt đối với Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần sớm thực hiện kiểm kê khí thải theo Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 tại Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 2/3/2024 của UBND thành phố. Thành phố cần ưu tiên bố trí, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo xu thế, diễn biến chất lượng không khí cùng dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ.
Các nguồn phát thải khí, bụi cần được kiểm soát chặt chẽ; thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí, từ các cơ sở công nghiệp; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng than và bếp than tổ ong; rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm nhiều không gian xanh, khu vực công cộng trong đô thị trồng thêm nhiều cây xanh.
Ở quy mô quốc gia, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí; cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xây dựng Hệ thống cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố đô thị lớn trên cả nước theo cách tiếp cận đa mô hình (multi-model) được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng, trong đó có thể dự báo chất lượng không khí ngắn hạn (24 - 48 giờ tiếp theo). Hệ thống này đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang được Cục hoàn thiện.