Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Genome Research, phát hiện mới có thể đóng vai trò như nguồn tài nguyên toàn diện và đặt nền tảng cho sự phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư thế hệ tiếp theo.
Công trình được thực hiện bởi nhóm khoa học gia tại Trung tâm Mô hình biến đổi bệnh học Mount Sinai (thuộc Hệ thống Y tế Mount Sinai - Mỹ).
Không chỉ xác định được 4.749 cụm gien được gọi là "mô-đun tiên lượng", các nhà khoa học còn chỉ ra được mối quan hệ phức tạp của chúng trong việc ngăn chặn hoặc thúc đẩy bệnh ung thư.
Do đó, nó có thể giúp tiên lượng bệnh tình bệnh nhân mắc 32 dạng ung thư khác nhau sẽ phát triển như thế nào, cũng như "đón đầu" nguy cơ ở một số người có các yếu tố di truyền đặc biệt.
Việc xác định này được thực hiện bởi một loại các phương pháp nghiên cứu về gien tiên tiến, phân tích hơn 10.000 mẫu gien được thu thập từ The Cancer Genome Atlas (TCGA), một trong những cơ sở dữ liệu về ung thư toàn diện nhất của thế giới, được xây dựng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Theo GS-TS Bin Zhang, Giám đốc Trung tâm Mô hình biến đổi bệnh học Mount Sinai, mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể trước đây trong nghiên cứu ung thư nhưng việc hiểu được sự phức tạp về di truyền của căn bệnh này vẫn là một thách thức.
Các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào chức năng gien biệt lập ở các loại ung thư cụ thể.
"Chúng tôi mong muốn lấp đầy khoảng trống kiến thức này bằng cách cung cấp một phân tích toàn diện về tương tác gien-gien trên các mô hình bệnh học ung thư khác nhau" - GS Zhang nói.
Theo Medical Xpress, mặc dù nghiên cứu này thể hiện một bước tiến đang kể nhưng nó không phải là phương pháp chữa khỏi ung thư ngay lập tức.
Tuy nhiên, nó cung cấp nền tảng để phát triển các phương pháp điều trị "nhắm trúng đích", phù hợp với di truyền của bệnh nhân, điều hứa hẹn có thể thay đổi chiến lược điều trị ung thư.
(theo NLĐ)